Tin tức / Hội nghị COP các Bên tham gia UNFCCC
Hy vọng từ COP 26 - kỳ họp sau đại dịch Covid-19
Ngày đăng: 18/10/2021
Đại dịch Covid-19 khiến Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26) phải lùi lại một năm. Dù vậy, các quốc gia, trong đó có Việt Nam, vẫn đang nỗ lực để hạn chế tác động của thách thức biến đổi khí hậu, cam kết nhiều hơn cho giảm phát thải. Vì thế, chúng ta có quyền hy vọng vào những kết quả tích cực từ COP 26 sẽ diễn ra Glasgow (Vương quốc Anh) từ 31/10 đến 12/11 tới đây.

Đoàn Việt Nam tiếp tục tham gia COP 26 với sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Trước thềm hội nghị, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) đã có những chia sẻ về kỳ COP đặc biệt này.

Ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu

* Phải lùi lại một năm do đại dịch Covid-19 nên COP 26 sẽ là kỳ họp vô cùng đặc biệt, thưa ông?

Ông Phạm Văn Tấn: Đúng vậy. Kỳ họp này sẽ có nhiều điều đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đã làm thay đổi cả thế giới. Mọi người càng ngày càng nhận thấy xu hướng sống xanh, sống khỏe là vô cùng cần thiết.

Đại dịch Covid-19 cho thấy tác động của vấn đề toàn cầu đối với mỗi quốc gia, không ai có thể đứng ngoài dù giàu hay nghèo. Biến đổi khí hậu cũng là vấn đề toàn cầu song nếu để thách thức này xảy ra nghiêm trọng hơn thì tác động của dịch Covid-19 vừa qua lại là vấn đề rất nhỏ. Hội nghị COP 26 là cơ hội để giúp thế giới phục hồi sau đại dịch theo hướng thân thiện với BĐKH.

COP 26 trở nên đặc biệt khi biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng như công bố tháng 8 vừa qua của Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu. Nếu không khẩn cấp xử lý thì nhân loại sẽ đạt đến điểm không thể quay đầu. Hậu họa là khôn lường.

COP26 còn là kỳ hội nghị đánh dấu 5 năm Thỏa thuận Paris được thông qua; đồng thời năm 2021 là năm đầu tiên Thỏa thuận Paris đi vào thực hiện. Chúng ta phải kiểm điểm lại việc chuẩn bị cho thực hiện Thỏa thuận Paris còn thiếu gì cần phải hoàn thiện, bao gồm những điểm vướng mắc của Bộ quy tắc hướng dẫn thi hành Thỏa thuận Paris cần phải đạt được đồng thuận.

* COP 26 có nhiều điều đặc biệt và đối mặt với rất nhiều thách thức hiện hữu. Vậy theo ông dự đoán, liệu COP 26 có đạt được những kết quả tích cực không, thưa ông?

Ông Phạm Văn Tấn: Tôi cho rằng, COP26 có thể tạo ra đột phá trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Đó là bởi ba lý do. Thứ nhất, COP 26 đã có sự chuẩn bị chu đáo trong bối cảnh dịch covid. Thứ hai, đã có trên 130 nguyên thủ quốc gia khẳng định sẽ tham gia Hội nghị. Và điều quan trọng là tính đến thời điểm diễn ra COP 26, gần 140 quốc gia công bố đưa phát thải khí nhà kính về trung hòa vào khoảng giữa thế kỷ và nhiều quốc gia tăng cam kết về đóng góp tài chính.

COP26 có thể tạo ra đột phá trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu

* Liên tiếp trong những kỳ COP gần đây, Việt Nam ngày càng được thế giới ghi nhận trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại COP 26, Việt Nam sẽ mang đến điều gì, thưa ông?

Ông Phạm Văn Tấn: Nhiều người đã biết Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của BĐKH. Tuy nhiên điều còn ít người biết, đó là Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia phát thải nhiều khí nhà kính, hiện đứng thứ 21 trên thế giới và đứng thứ 2 trong ASEAN, chỉ sau Indonessia. Đây là thực tế, dù chúng ta không muốn. Thực tế này làm vị thế của Việt Nam tại Hội nghị trở lên quan trọng và sẽ nhận được quan tâm, chú ý của cộng đồng quốc tế. Cụ thể, kinh nghiệm thích ứng với biến đổi khí hậu của chúng ta sẽ được nhiều nước tìm hiểu, học tập. Nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam sẽ đóng góp đáng kể cho nỗ lực giảm khí nhà kính toàn cầu. Nhiều nước có mức độ phát triển tương đương hoặc thấp hơn chúng ta sẽ nhìn Việt Nam để hành động. Vì vậy sự xuất hiện của Việt Nam, hành động của Việt Nam sẽ có tác động đáng kể cho thành công của Hội nghị và nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Đoàn Việt Nam tham gia Hội nghị lần này là với vị thế quan trọng đó. Chắc chắn, sự tham gia và đóng góp của Việt Nam sẽ tương xứng với vị thế quan trọng này.

* Xin cảm ơn ông.

Hội nghị COP26 là một trong những sự kiện quốc tế lớn nhất, được cộng đồng quốc tế quan tâm nhất trong năm, đánh dấu 5 năm các nước thông qua Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu. Với việc trên 130 nguyên thủ quốc gia đã khẳng định tham dự, hàng loạt nước tuyên bố đưa mức mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tăng mức cam kết hỗ trợ tài chính, Hội nghị COP26 có thể mở ra trang mới trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phạm Linh (thực hiện)

Các tin khác