Chủ tịch COP29 Mukhtar Babayev đã đưa ra phương thức làm việc cho tuần thứ 2 của COP29, bao gồm 3 lộ trình song song: Tham vấn cấp bộ trưởng tập trung vào các vấn đề chính trị nổi bật; Tiếp tục họp kỹ thuật về một loạt các vấn đề hạn chế, trong đó có thể kết hợp thảo luận về các thỏa thuận chính trị mới nổi; Tham vấn bổ sung tại mỗi nhóm do 2 Bộ trưởng chủ trì về các vấn đề chính trị ưu tiên và tạo điều kiện để các Bên thỏa hiệp.
Phiên họp theo hình thức "Hội đồng" lắng nghe các ý kiến đối với các tài liệu đàm phán chính tại COP 29
Trong ngày 21/11, Chủ tịch COP đã mở cuộc họp theo hình thức “Hội đồng”, lắng nghe ý kiến các bên đối với tài liệu đàm phán mới nhất về nội dung đàm phán chính tại COP29.
Tại các cuộc tham vấn về Mục tiêu định lượng tổng thể về tài chính khí hậu (NCQG) do Bộ trưởng của Ai Cập và Australia chủ trì, vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất về số tiền hỗ trợ cho việc thực hiện các mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu trong giai đoạn mới. Hai phương án nhận được nhiều sự ủng hộ bao gồm: Các nước phát triển sẽ cung cấp số tiền [x] tỷ USD mỗi năm, hoặc huy động tất cả các nguồn tài chính để nâng mức lên [x] nghìn tỷ USD mỗi năm.
Tại các cuộc tham vấn về Mục tiêu thích ứng toàn cầu do Bộ trưởng của Ireland và Costa Rica chủ trì, tài liệu đàm phán mới nhất đã cho thấy sự thống nhất cao giữa các Bên ở hầu hết nội dung, trong đó có hệ thống tri thức bản địa và lồng ghép các yếu tố xã hội. Bên cạnh đó, phương tiện thực hiện mục tiêu thích ứng tại dự thảo vẫn đang ở trạng thái lựa chọn, chưa thống nhất.
Về cơ chế thị trường các-bon toàn cầu theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris, Phiên họp khai mạc Cuộc họp các bên tham gia Thỏa thuận Paris đã thông qua văn bản quyết định về Điều 6.8 – cơ chế phi thị trường. Các cuộc tham vấn còn lại cho Điều 6.2 và 6.4 do Bộ trưởng của Singapore và New Zealand chủ trì. Hai Bộ trưởng lưu ý rằng vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề chức năng của cơ quan đăng ký quốc tế đối với Điều 6.2. Đối với Điều 6.4, vẫn còn các vấn đề nổi bật xung quanh nhu cầu cung cấp thông tin trước và quy trình giải quyết những mâu thuẫn khi triển khai thị trường ở quy mô toàn cầu.
Đại diện của đoàn Việt Nam tại phiên họp của COP 29
Về Đánh giá nỗ lực toàn cầu (GST), tài liệu đàm phán về nội dung này được đưa ra trước đó vào ngày 19/11. Đáng chú ý, dự thảo vẫn bao gồm nhiều lựa chọn khác nhau về phạm vi, thời gian, nguồn thông tin và báo cáo; các thủ tục và hậu cần của quá trình GST vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất. Do đó, các Bên vẫn tiếp tục tham vấn kỹ thuật để có tài liệu đàm phán cuối cùng.
Về Tổn thất và thiệt hại, tài liệu đàm phán được đưa ra vào ngày 20/11. Dự thảo quyết định về Cơ chế Quốc tế Warsaw (WIM) và Mạng lưới Santiago (SNLD) thông qua các quy tắc thủ tục cho Ban Cố vấn của Mạng lưới Santiago, nhưng cũng yêu cầu các Ban Bổ trợ tiếp tục xem xét mục chương trình nghị sự này tại Cuộc họp ban bổ trợ (SB) lần thứ 62 vào tháng 6/2025.
Chu Hương (đưa tin từ Baku)