Nhìn chung, tiến độ đàm phán còn chậm, đặc biệt là nội dung trọng tâm của Hội nghị và chưa đưa ra được dự thảo Quyết định chung để trình COP29.
Tài chính khí hậu chưa rõ ràng
Hội nghị COP 29 được kỳ vọng sẽ đưa được Mục tiêu định lượng tổng thể về tài chính khí hậu (NCQG). Trong tuần qua, một loạt các cuộc họp chính thức - không chính thức đã diễn ra, nhằm thảo luận về cách tiếp cận, minh bạch tài chính khí hậu. Thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều ý kiến và quan điểm khác nhau về NCQG. Dự thảo tài liệu đàm phán trong ngày họp 16/11 đã giảm từ 35 trang còn 25 trang, trong đó vẫn còn 43 lựa chọn khác nhau và 415 đoạn chưa thống nhất. Dự thảo này sẽ được trình các Bộ trưởng để tiếp tục đàm phán vào ngày 18/11.
Về Ủy ban thích ứng, tại Phiên bế mạc Cuộc họp các Ban bổ trợ lần thứ 61 (SB61), các bên đã thống nhất tiếp tục thảo luận nội dung này tại Cuộc họp SB63 diễn ra ở Bonn vào năm 2025.
Phiên bế mạc Cuộc họp các Ban bổ trợ lần thứ 61 (SB61) đánh dấu kết thúc tuần làm việc đầu tiên tại Hội nghị lần thứ 29, nhưng các cuộc đàm phán chưa đưa ra nhiều tiến triển
Về đánh giá nỗ lực toàn cầu, các Điều giải viên nhấn mạnh bản ghi chú không chính thức sửa đổi của nội dung này thiếu sự đồng thuận giữa các bên. Một số nhóm (Nhóm các quốc gia có đồng quan điểm (LMDC), Nhóm Ả Rập, Nhóm châu Phi, Nhóm các quốc đảo nhỏ (AOSIS), Nhóm các nước kém phát triển nhất (LDCs) và Hoa Kỳ) đã ủng hộ bản ghi chú có thể làm cơ sở để thảo luận. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ sự dè dặt về việc chuyển tiếp văn bản mà không đề cập đến kết quả đánh giá nỗ lực toàn cầu về thích ứng BĐKH, tổn thất và thiệt hại, ủng hộ phạm vi rộng hơn ngoài các nhiệm vụ hiện có. Australia đồng quan điểm với EU.
Nhóm các quốc gia Mỹ Latinh AILAC nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung vào các phương tiện thực hiện, đặc biệt là tài chính, đồng thời lưu ý mối quan tâm của EIG về việc loại trừ các quốc gia không dựa vào các phương tiện này. Trong khi đó, Nhóm các quốc gia có đồng quan điểm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên kết đối thoại đanh giá nỗ lực toàn cầu với mục tiêu tài chính khí hậu NCQG. Một số ý kiến cho rằng, iệc thực hiện đánh giá nỗ lực toàn cầu nên kết hợp các kết quả thích ứng và giảm phát thải khí nhà kính.
Cuộc họp SB61 đã thống nhất chuyển nội dung này lên Cuộc họp các bên tham gia Thỏa thuận Paris lần thứ 6 (CMA6) để tiếp tục thảo luận. Một số nhóm nước bày tỏ thất vọng vì tiến độ đàm phán chậm tại COP29.
Định hướng chung mục tiêu toàn cầu về thích ứng
Đến ngày 16/11, các Điều giải viên đã đưa ra dự thảo thứ hai tài liệu đàm phán về mục tiêu thích ứng biến đổi khí hậu toàn cầu, trong đó tích hợp quan điểm khác biệt của các bên như vai trò của Ủy ban thích ứng trong công việc tương lai (bao gồm các yếu tố liên quan đến phương tiện thực hiện, số lượng chỉ số cuối cùng và hướng dẫn cho các nhóm chuyên gia). Quyết định dài 1 trang hiện nay không còn có ý kiến khác nhau, hướng tới các thỏa thuận cụ thể về thích ứng và sẽ được chuyển đến Cuộc họp các bên tham gia Thỏa thuận Paris để xem xét trong tuần làm việc thứ hai.
Đại diện Việt Nam tham gia Phiên bế mạc Cuộc họp các Ban bổ trợ lần thứ 61 (SB61)
Về đánh giá tiến độ, hiệu quả và hiệu suất của Ủy ban thích ứng, các Ban bổ trợ đã nhất trí tiếp tục xem xét vấn đề này tại cuộc họp SB 62 vào tháng 6/2025. Phía EU bày tỏ sự thất vọng khi đã qua 4 năm, quá trình đánh giá vẫn chưa có tiến triển.
Về Kế hoạch thích ứng quốc gia (NAP), các cuộc tham vấn không chính thức do đại diện Ghana và Mỹ đồng điều hành cho thấy cách tiếp cận hợp tác giữa các bên. Tuy nhiên, nhiều vấn đề vẫn có tranh luận dai dẳng và khả năng không đạt được sự đồng thuận, biểu thị những căng thẳng tiềm ẩn và lợi ích khác nhau giữa các Bên. Tại phiên bế mạc, Ban Bổ trợ thực hiện (SBI) đã chuyển vấn đề này đến COP 29 dựa trên dự thảo từ SBI 61.
Ngoài ra, Báo cáo đánh giá 2024 về Cơ chế quốc tế Warsaw về tổn thất và thiệt hại cũng được các bên nhất trí vấn đề này sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của SB 62. Quỹ Ứng phó tổn thất và thiệt hại (FRLD) đã chính thức công bố Philippines là quốc gia chủ trì Hội đồng Quỹ, Ngân hàng Thế giới là đơn vị vận hành Quỹ. Mặt khác, báo cáo về tổn thất và thiệt hại cũng chưa có sự đồng thuận và sẽ tiếp tục đưa ra tại cuộc họp Ban bổ trợ vào năm sau.
Nhiều tranh luận về thị trường các-bon
Liên quan đến nội dung thị trường các-bon toàn cầu theo Điều 6 Thỏa thuận Paris, Điều 6.2 quy định rõ cách tính chuyển nhượng tín chỉ các-bon, trong khi Điều 6.4 thiết lập một cơ cấu chức năng để triển khai thị trường các-bon quốc tế và làm rõ cách chính phủ các nước nên hạch toán tín chỉ các-bon trong các mục tiêu cắt giảm phát thải khí CO₂ quốc gia.
Phiên đàm phán về thị trường các-bon vẫn chưa thống nhất được các nội dung quan trọng để vận hành đầy đủ thị trường các-bon toàn cầu
Dự thảo dài các quyết định cho Điều 6.2 đã được đưa ra. Dù phản ánh quan điểm của các Bên nhưng văn bản này vẫn chưa đạt được đồng thuận trong nhiều nội dung trọng yếu, và các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục vào tuần làm việc thứ hai. Tương tự, các Bên cũng yêu cầu đàm phán thêm về Điều 6.4. Bên cạnh đó, Ban bổ trợ khuyến nghị Cuộc họp các bên tham gia Thỏa thuận Paris lần thứ 6 trong tuần làm việc thứ hai cần thông qua dự thảo quyết định cho Chương trình làm việc theo Điều 6.8 về cơ chế phi thị trường.
Về nâng cao tham vọng và thực hiện giảm phát thải khí nhà kính (MWP), Phiên bế mạc Chương trình làm việc Sharm el-Sheikh vẫn chưa đạt được sự đồng thuận. Do vậy, bản ghi chú không chính thức về nội dung này còn 25 lựa chọn khác nhau sẽ tiếp tục được thảo luận tại cộc họp SB 62. Đại diện các nhóm nước nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được mục tiêu giảm phát thải cao hơn nhằm đạt mục tiêu giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5°C vào cuối thế kỷ này. Trong các cuộc tham vấn không chính thức liên quan đến hướng dẫn thêm về Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), đã có những ý kiến khác nhau về việc có nên tiếp tục thảo luận để nâng cao mục tiêu giảm phát thải.
Chu Hương (đưa tin từ Baku, A-déc-bai-gian)