Quang cảnh Hội nghị OEWG47
Hội nghị OEWG được tổ chức định kỳ hằng năm để trao đổi, thảo luận các nội dung về quản lý, khoa học và kỹ thuật nhằm thực hiện hiệu quả Nghị định thư Montreal và dự thảo các quyết định đệ trình tại Cuộc họp các Bên tham gia Nghị định thư Montreal (MOP). Hội nghị OEWG47 năm 2025 tập trung vào các nội dung chính như sau:
(1) Điều khoản tham chiếu cho nghiên cứu để bổ sung cho Quỹ đa phương thực hiện Nghị định thư Montreal (MLF) giai đoạn 2027-2029;
(2) Quản lý vòng đời môi chất lạnh;
(3) Bình xịt định liều chứa chất có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu (GWP) thấp;
(4) Các phương án để tái cấu trúc đối với Ban Đánh giá Công nghệ và Kinh tế và các ủy ban lựa chọn kỹ thuật;
(5) Việc sử dụng các chất được kiểm soát làm nguyên liệu đầu vào;
(6) Tăng cường giám sát khí quyển đối với các chất được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal;
(7) Tăng cường thể chế của Nghị định thư Montreal;
(8) Rà soát nhu cầu duy trì mức trung bình hằng năm 2,5% đối với hydroclorofluorocarbon (HCFC) cho các lĩnh vực dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng và lĩnh vực khác trong giai đoạn 2030 - 2040;
(9) Thay đổi thời gian cắt giảm HFC cho các bên đủ năng lực;
(10) Xác định Nhà nước Palestine là một bên quy định tại Điều 5 Nghị định thư Montreal và được tiếp cận hỗ trợ từ Quỹ đa phương.
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị OEWG47
Phát biểu khai mạc Hội nghị OEWG47 sáng ngày 07 tháng 7 năm 2025, bà Megumi Seki, Thư ký điều hành Ban thư ký ô-dôn nhấn mạnh năm 2025 đánh dấu 40 năm cộng đồng quốc tế thông qua Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn, giúp kết nối các quốc gia, tổ chức trên toàn cầu chống lại sự suy giảm tầng ô-dôn trong tầng bình lưu nhằm bảo vệ con người và môi trường khỏi mức bức xạ cực tím (UV) nguy hiểm. Cùng với đó, các bên đã thông qua Nghị định thư Montreal nhằm loại bỏ dần cả sản xuất và tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn (năm 1987); Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định Montreal nhằm giảm dần các chất hydrofluorocarbon (HFC), là các chất gây hiệu ứng nhà kính mạnh (năm 2016). Thư ký điều hành Ban thư ký ô-dôn khẳng định trải qua 40 năm thực hiện, Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal được đánh giá là hiệp định môi trường đa phương thành công nhất, nhận được sự hợp tác rộng rãi từ các quốc gia, tổ chức. Tuy nhiên, để phục hồi tầng ô-dôn, các bên cần tiếp tục thúc đẩy các hoạt động để duy trì sự linh hoạt cũng như ứng phó phù hợp với các vấn đề mới nổi trong thực thi Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal.
Các vấn đề chính về bảo vệ tầng ô-dôn cần tập trung trong giai đoạn sắp tới gồm: tăng cường giám sát khí quyển đối với các chất được kiểm soát làm cơ sở để đưa ra quyết định; thúc đẩy các hành động để tìm ra giải pháp thay thế, hạn chế rò rỉ và giải quyết vấn đề buôn bán bất hợp pháp các chất được kiểm soát; điều tra, đánh giá để xem xét bổ sung các chất khác vào danh mục các chất được kiểm soát.
Ban Đánh giá công nghệ và kinh tế (TEAP) trình bày Báo cáo tiến độ năm 2025
Ngày đầu tiên của Hội nghị OEWG47, các bên đã tập trung thảo luận về điều khoản tham chiếu cho nghiên cứu để bổ sung cho MLF giai đoạn 2027-2029. Nhiều bên chỉ ra nhu cầu phải có ước tính tài trợ thực tế được thiết lập thông qua một quy trình minh bạch do Nhóm công tác của Ban Đánh giá công nghệ và kinh tế (TEAP) đứng đầu. Nigeria, Mozambique, Indonesia, Trung Quốc và một số quốc gia đã nêu bật nhu cầu tiếp nhận tài trợ của các nước đang phát triển theo Điều 5 Nghị định thư Montreal. Canada thay mặt cho Úc, Nhật Bản và Vương quốc Anh đã trình bày dự thảo báo cáo tại hội nghị (CRP) về điều khoản tham chiếu cho nghiên cứu để bổ sung cho MLF giai đoạn 2027-2029. Sau khi trao đổi, thảo luận, các bên đã nhất trí thành lập nhóm liên lạc để tiếp tục trao đổi về nội dung này do đại diện của Hà Lan và Maldives đồng chủ trì và dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên vào sáng ngày 08 tháng 7 năm 2025.
Tiếp đó, Ban Đánh giá công nghệ và kinh tế (TEAP) và các Ủy ban về lựa chọn kỹ thuật (TOC) đã trình bày Báo cáo tiến độ năm 2025, cập nhật tiến độ chung và phản hồi đối với quyết định tại các cuộc họp MOP. Đại diện các bên tham gia Hội nghị đã trao đổi, thảo luận về thách thức liên quan đến việc miễn trừ dài hạn để sử dụng cho nhu cầu thiết yếu (EUN) đối với chất Halon-131 phục vụ phòng cháy, chữa cháy trong lĩnh vực hàng không; lo ngại nồng độ chất Methyl Bromide trong khí quyển luôn cao do việc tiếp tục sử dụng chất này trong khử trùng và kiểm dịch hàng hóa (QPS) cũng như khí thải từ các nguồn không xác định. Các đại biểu cũng thảo luận về nhu cầu cần bổ sung đầu tư và thử nghiệm lâm sàng đối với bình xịt định liều (MDI) chứa chất được kiểm soát có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu (GWP) thấp.
Ban Đánh giá công nghệ và kinh tế cũng trình bày các phương án tái cấu trúc Ban và các Ủy ban về lựa chọn kỹ thuật từ năm 2027, đồng thời nhấn mạnh hiện có hơn 150 chuyên gia độc lập từ các bên trên khắp thế giới đang làm tình nguyện viên không hưởng lương, nhưng vẫn đảm bảo khối lượng và chất lượng công việc. Tuy nhiên, để duy trì cách tiếp cận độc lập, dựa trên sự đồng thuận của các bên đang trở nên ngày càng khó khăn.
Qua hai ngày của Hội nghị OEWG47, Đoàn Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia các phiên toàn thể; liên hệ, làm việc với các đối tác như Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Ngân hàng Thế giới về phối hợp triển khai Kế hoạch quản lý, loại trừ các chất HCFC giai đoạn III và giảm dần sử dụng các chất HFC giai đoạn I; trao đổi với công ty A-Gas (công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới trong quản lý vòng đời các chất được kiểm soát) về tiềm năng đầu tư kinh doanh hoạt động thu gom, tái chế các chất được kiểm soát tại Việt Nam. Các hoạt động hợp tác quốc tế về quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát sẽ góp phần hỗ trợ Việt Nam đồng thời hiện thực mục tiêu bảo vệ tầng ô-dôn, giảm phát thải khí nhà kính và phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.
Đoàn Việt Nam làm việc với công ty A-Gas
Trước khi Hội nghị OEWG47 diễn ra, ngày 06 tháng 7 năm 2025, Liên minh Khí hậu và Không khí Sạch (CCAC) đã phối hợp với UNEP và Bộ Môi trường Nhật Bản tổ chức “Hội thảo về quản lý vòng đời các chất được kiểm soát: Tiến độ kiểm kê các chất Fluorocarbon tồn trữ và Kế hoạch hành động quốc gia”. Hội thảo đã chia sẻ thông tin về việc Quỹ Đa phương thực hiện Nghị định thư Montreal đã hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho 89 quốc gia thuộc Điều 5 để thực hiện công tác kiểm kê quốc gia các chất bị kiểm soát còn tồn trữ và xây dựng kế hoạch quản lý tổng thể đối với các chất này; tiến độ thực hiện, kinh nghiệm của một số quốc gia trong thực hiện kiểm kê, thu hồi và tiêu hủy các chất được kiểm soát. Đồng thời, hội thảo cũng trao đổi, thảo luận về vận chuyển xuyên biên giới các chất được kiểm soát, các vấn đề giao thoa giữa Nghị định thư Montreal và Công ước Basel. Tham dự hội thảo, Đoàn Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai các hoạt động về quản lý vòng đời các chất được kiểm soát, đặc biệt là sự phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường - cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Nghị định thư Montreal với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, hội, hiệp hội nghề nghiệp và doanh nghiệp trong xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách, quy định có liên quan.
Quang cảnh “Hội thảo về quản lý vòng đời các chất được kiểm soát: Tiến độ kiểm kê các chất Fluorocarbon tồn trữ và Kế hoạch hành động quốc gia”
Cục Biến đổi khí hậu