Tại đây, các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và các đối tác phát triển thảo luận về lộ trình hình thành hệ thống làm mát bền vững cho tất cả các lĩnh vực của Việt Nam, nhằm đảm bảo đạt được kịp thời các mục tiêu quốc gia trong ứng phó biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại sự kiện, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu chia sẻ: Nhận thức tầm quan trọng của hoạt động làm mát bền vững, tại COP28, Việt Nam cùng hơn 60 quốc gia vừa tham gia Cam kết làm mát toàn cầu (Global Cooling Pledge), với mục tiêu góp phần giảm ít nhất 68% phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực làm mát toàn cầu vào năm 2050 so với năm 2022.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại sự kiện
Trước đó, Việt Nam đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp về làm mát bền vững trong các chiến lược, quy hoạch quốc gia, bao gồm Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam năm 2022. Đây là cơ hội để triển khai những chương trình, dự án hợp tác với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước về làm mát bền vững như chuyển đổi sang công nghệ hiệu suất năng lượng cao, sử dụng môi chất lạnh có giá trị tiềm năng nóng lên toàn cầu thấp, áp dụng các giải pháp làm mát thụ động, làm mát dựa vào tự nhiên.
Dù kết quả Đánh giá nỗ lực toàn cầu tại Hội nghị COP28 có như thế nào, những nỗ lực trên sẽ được Việt Nam đưa vào NDC 2 nộp lên Ban thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC) vào năm 2025, sau khi Chính phủ Việt Nam thông qua.
Ông Hongpeng Liu, Giám đốc Ban năng lượng, Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á TBD Liên hợp quốc phát biểu tại sự kiện
Điều hành phiên thảo luận, ông Hongpeng Liu, Giám đốc Ban năng lượng, Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á Thái Bình Dương Liên hợp quốc đánh giá cao Việt Nam đã và đang đi tiên phong trong việc đưa vấn đề làm mát, cũng như các cam kết quốc tế vào chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ. Cam kết làm mát toàn cầu đã được công bố tại COP28 và điều quan trọng là nỗ lực của các quốc gia thành viên để triển khai cam kết này trong thời gian tới.
Bà Lily Riahi, Điều phối Liên minh làm mát, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết: Ngoài điều hòa không khí, lĩnh vực làm mát còn nhiều ứng dụng quan trọng như bảo quản vắc xin, lưu trữ thực phẩm, sử dụng hiệu quả năng lượng trong tòa nhà. Lĩnh vực này tiêu thụ 1/5 điện năng trên thế giới và nhu cầu dự kiên tăng gấp 3 vào năm 2050. Điều này gây ra hậu quả kép, vừa tăng tiêu thụ năng lượng, vừa tăng lượng phát thải khí nhà kính.
Để thay đổi xu hướng này, UNEP và các đối tác cùng đã xây dựng khuôn khổ toàn diện mà không gây tác động về BĐKH. Có nhiều việc phải làm, đó là: Giảm lượng điện dùng trong làm mát, hướng tới xanh hóa đô thị; sử dụng hiệu quả năng lượng thông qua chuyển đổi công nghệ làm mát tốt hơn, đặt ra các chuẩn mực về làm mát, dán nhãn sản phẩm làm mát bền vững giúp người tiêu dùng nhận biết; xây dựng công cụ tài chính riêng cho lĩnh vực này... Việt Nam đóng vai trò tiên phong trong triển khai làm mát bền vững để giảm thiểu khí nhà kính. Bởi vậy, các Bộ, ngành cùng các bên liên quan cần phối hợp hiệu quả để xây dựng Kế hoạch làm mát quốc gia.
Ông Hà Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Phát triển các-bon thấp, Cục Biến đổi khí hậu chia sẻ: Việc lần đầu tiên đưa nội dung làm mát bền vững vào NDC cập nhật 2022 đã cho thấy bước tiến của Việt Nam. Qua trao đổi cùng Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, chúng tôi nhận thấy, lĩnh vực làm mát chưa được đề cập nhiều trong các nội dung về tăng trưởng xanh, sử dụng hiệu quả năng lượng; thiếu chính sách cụ thể về làm mát và thiếu sự tham gia của khu vực tư nhân. Thời gian tới, Việt Nam sẽ cần tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân vào chuyển đổi công nghệ mới liên quan tới làm mát, nâng cao nhận thức về vấn đề này và cụ thể hóa thành hành động.
Các đại biểu tham dự sự kiện
Ông JohnCotton, Quản lý Chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng Đông Nam Á (ETP) cho biết: ETP có ban thư ký phối hợp cùng các chính phủ để tối đa hóa hoạt động của ETP, xác định các hoạt động ưu tiên để giảm thiếu phát thải khí nhà kính. Điều quan trọng là các quốc gia cần chuyển thành các hành động cụ thể như thế nào. Những nỗ lực này cần huy động nguồn lực tài chính đáng kể và cần Chính phủ, doanh nghiệp tích cực vào cuộc. Kế hoạch hành động quốc gia cần có cách tiếp cận tổng quan, hài hòa và huy động được nhiều bên tham gia để đạt kết quả mong muốn, thay vì trông chờ vào các dự án đơn lẻ.
Ông Axel Michaelowa, chuyên gia từ Perspectives Climate Group cho rằng, những hoạt động liên quan thúc đẩy vận hành thị trường để việc mua bán tín chỉ các-bon có thể trở thành nguồn thu bổ sung, tạo cơ chế để trao đổi, chi trả. Đơn cử tại Hàn Quốc đã lồng ghép quy định phát triển thị trường các-bon của Thỏa thuận Paris vào Kế hoạch hành động quốc gia giảm phát thải trong làm mát. Về nguồn lực, các khoản tài trợ không hoàn lại khá hạn chế, cần huy động nguồn tài chính từ thị trường trao đổi tín chỉ, coi là nguồn vốn mồi để huy động thêm được nguồn lực thực hiện các hoạt động này.
Tại sự kiện, kết nối các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo, các đối tác phát triển đã cùng nêu bật vai trò của việc tạo ra môi trường chính sách thuận lợi cho lĩnh vực làm mát bền vững, nhằm mở rộng quy mô khả năng tiếp cận các công nghệ sạch và hiệu quả. Đồng thời, đưa ra các khuyến nghị nhằm giải quyết các thách thức và tận dụng cơ hội hiện có.
Chu Thanh Hương (đưa tin từ Hội nghị COP28, UAE)