Tin tức / Hội nghị COP các Bên tham gia UNFCCC
Việt Nam đề xuất mở rộng hợp tác với Viện quốc tế về Phát triển bền vững
Ngày đăng: 16/11/2024
Ngày 16/11, tại Azerbaijan, ông Phạm Văn Tấn (Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường) – Phó Trưởng đoàn Đàm phán của Việt Nam tại Hội nghị COP 29 đã có buổi tiếp, làm việc với bà Anne Hammill, Phó Chủ tịch Viện quốc tế về Phát triển bền vững (IISD) về các nội dung hợp tác tiềm năng trong triển khai hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng thị trường các-bon.

Tham gia buổi làm việc còn có đại diện các đơn vị thuộc Cục Biến đổi khí hậu, Mạng lưới NAP toàn cầu (NAP Global Network).

Tại buổi tiếp, Phó Cục trưởng Phạm Văn Tấn cảm ơn sự hợp tác, hỗ trợ thời gian qua của Viện quốc tế về Phát triển bền vững và mong muốn hai bên sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác thời gian tới.

Bên lề Hội nghị COP29, ông Phạm Văn Tấn (Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường) – Phó Trưởng đoàn Đàm phán của Việt Nam tại Hội nghị COP 29 đã có buổi tiếp, làm việc với bà Anne Hammill, Phó Chủ tịch Viện quốc tế về Phát triển bền vững (IISD)

Cùng với chia sẻ tiến độ cập nhật Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP), Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) 3.0 của Việt Nam, ông Tấn đưa ra một số những nội dung hợp tác tiềm năng, bao gồm: Xây dựng chiến lược huy động nguồn lực từ khối tư nhân trong triển khai NAP, NDC của Việt Nam; hoàn thiện Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu; đánh giá đồng lợi ích về đa dạng sinh học trong triển khai NAP và NDC; thiết lập và vận hành thị trường các-bon.

Phía Việt Nam bày tỏ mong muốn học hỏi kinh nghiệm các nước về xây dựng, hoàn thiện khung Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia. Điều này rất quan trọng trong việc tăng cường tính minh bạch và giúp huy động nguồn lực từ khối tư nhân tham gia thực hiện NAP. Việc cập nhật NDC 3.0 cũng sẽ xem xét bổ sung vào hợp phần thích ứng biến đổi khí hậu nhiều nội dung hơn về đa dạng sinh học, đồng lợi ích cho các bên liên quan.

Về thị trường các-bon, lộ trình của Việt Nam là sẽ vận hành thị trường trong nước từ năm 2025 và sau đó kết nối với thị trường quốc tế. Trong giai đoạn thí điểm từ năm 2025 – 2027, việc phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho một số lĩnh vực phát thải lớn và vận hành thử nghiệm thị trường sẽ được thực hiện.

Bà Anne Hammill khẳng định cam kết của Viện quốc tế về Phát triển bền vững trong việc tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam triển khai mạnh mẽ các cam kết về thích ứng biến đổi khí hậu, thiết lập thị trường các-bon.

Bày tỏ hoan nghênh Việt Nam đã triển khai nhanh chóng các cam kết về thích ứng biến đổi khí hậu, bà Anne Hammill chia sẻ, báo cáo đánh giá NAP toàn cầu đầu tiên sẽ được công bố khoảng cuối tháng 12/2024. Bà cũng khẳng định cam kết của Viện quốc tế về Phát triển bền vững trong việc tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam triển khai mạnh mẽ các cam kết về thích ứng biến đổi khí hậu, thiết lập thị trường các-bon.

IISD hiện đang có dự án mới về dấu chân các-bon khu vực châu Á, dự kiến sẽ triển khai tại Việt Nam, Indonesia, Philippines. IISD đề xuất sẽ phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu tổ chức hội thảo quốc tế liên quan đến nội dung này để tham vấn các nội dung khả thi có thể triển khai tại Việt Nam.

Hai bên cũng thống nhất sẽ giao các đơn vị chuyên môn nghiên cứu để đề xuất các nội dung mở rộng hợp tác và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chu Hương - Bảo Trung (đưa tin từ Azecbaijan)

Các tin khác