Đoàn Việt Nam tham dự phiên khai mạc COP 29
Đến ngày khai mạc, đã có gần 67.000 người đăng ký tham dự các cuộc đàm phán diễn ra từ ngày 11 - 22/11, nhằm thúc đẩy các chính phủ hành động quyết liệt hơn trong việc giảm phát thải khí nhà kính và tăng tài chính khí hậu trong giai đoạn tới.
Nhiều vấn đề quyết định tương lai của Thỏa thuận Paris
Tại phiên Khai mạc, Chủ tịch COP29 Mukhtar Babayev nhấn mạnh: COP 29 đánh dấu 1 thập kỷ triển khai Thỏa thuận Paris. Vòng xây dựng đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) sắp tới là cơ hội cuối cùng của thế giới để đạt được mục tiêu giữ cho nhiệt độ Trái đất tăng không quá 1,5°C và xây dựng khả năng phục hồi trước những tác động của biến đổi khí hậu.
Chủ tịch COP29 Mukhtar Babayev
Chủ tịch COP 29 cũng kêu gọi tất cả các quốc gia tăng mục tiêu giảm phát thải của mình trong NDC mới. "Chúng ta cần làm đúng theo cam kết và triển khai thực hiện đúng thời hạn", ông Babayev nhấn mạnh và cho rằng, quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, năng lượng sạch phải được thực hiện một cách công bằng, dựa trên bối cảnh và lộ trình khác nhau của các quốc gia. Công suất lưu trữ năng lượng toàn cầu cần tăng lên gấp 6 lần hiện nay vào năm 2030, đồng thời, các hoạt động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu cần được quan tâm hơn nữa. Chủ tịch COP 29 kêu gọi các quốc gia nộp kế hoạch thích ứng quốc gia đúng hạn và Báo cáo minh bạch hai năm một lần (BTR) lần đầu tiên vào cuối năm nay. “COP29 là thời điểm quan trọng, quyết định tới tương lai của Thỏa thuận Paris” – ông Mukhtar Babayev khẳng định.
Trong khi đó, Tổng thư ký UNFCCC Simon Stiell thúc giục các quốc gia thiết lập một mục tiêu tài chính khí hậu mới mạnh mẽ hơn. Nhấn mạnh rằng tài chính khí hậu là vấn đề an ninh toàn cầu, ông Simon Stiell bác bỏ tất cả quan điểm đây nên được được coi là khoản từ thiện.
Một thỏa thuận tài chính khí hậu đầy tham vọng sẽ phù hợp với lợi ích của tất cả các quốc gia. Rõ ràng, việc nhiều quốc gia không thể nhanh chóng giảm phát thải và tăng cường khả năng phục hồi cuối cùng sẽ tác động đến mọi nền kinh tế. Tổng thư ký UNFCCC chỉ ra các lợi ích kinh tế chung, và cảnh báo rằng "nếu các quốc gia không thể xây dựng khả năng phục hồi vào chuỗi cung ứng, toàn bộ nền kinh tế toàn cầu sẽ bị khuất phục trước biến đổi khí hậu”.
Trọng tâm chính tại COP29 sẽ là hoàn thiện Điều 6 của Thỏa thuận Paris, nhằm thiết lập thị trường các-bon quốc tế và đẩy nhanh quá trình giảm phát thải toàn cầu.
Để hỗ trợ thêm cho các quốc gia trong việc xây dựng Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) vào năm tới, UNFCCC sẽ phát động "Chiến dịch kế hoạch khí hậu". Sáng kiến này, cùng với việc khôi phục Tuần lễ khí hậu vào năm 2025, nhằm mục đích tăng cường hành động vì khí hậu toàn cầu và thúc đẩy sự hợp tác giữa các Bên.
Kết thúc bài phát biểu, Tổng thư ký kêu gọi các Bên tham gia Công ước cần đoàn kết, nắm bắt thời điểm lịch sử này để thúc đẩy hành động hiệu quả để đạt được tài chính khí hậu, tăng khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu vì lợi ích chung của tất cả các quốc gia.
Tổng thư ký UNFCCC Simon Stiell
Cần hàng nghìn tỷ USD để ứng phó với biến đổi khí hậu
Giai đoạn trước đó, mục tiêu cung cấp tài chính 100 tỷ USD/năm cho ứng phó biến đổi khí hậu đã đạt được bằng nhiều cách thức khác nhau. Trong giai đoạn sắp tới đến năm 2035, nguồn tài chính khí hậu để giúp các quốc gia đang phát triển chuẩn bị cho những kịch bản tác động ngày càng tồi tệ của biến đổi khí hậu và loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch tiếp tục là vấn đề cần đàm phán.
Bao nhiêu tiền sẽ được cung cấp, ai sẽ trả và ai có thể tiếp cận nguồn vốn là một số điểm gây tranh cãi chính.
Các nước đang phát triển đề nghị khoản tài chính hàng nghìn tỷ đô la và nhấn mạnh nguồn lực này phải là các khoản viện trợ không hoàn lại thay vì các khoản vay, nhưng chưa đưa ra con số cuối cùng.
Chủ tịch COP29 Mukhtar Babayev cũng xác nhận nhu cầu là “hàng nghìn tỷ” nhưng cho biết “mục tiêu thực tế hơn” là khoảng hàng trăm tỷ. Các nước đang phát triển cảnh báo rằng nếu không có đủ nguồn tài chính, họ sẽ gặp khó khăn trong việc đưa ra những mục tiêu khí hậu mạnh mẽ hơn trong NDC cập nhật vào đầu năm tới. Trong khi đó, chỉ một số ít nhà lãnh đạo của Nhóm G20, các quốc gia chiếm gần 80% lượng phát thải khí thải toàn cầu tham dự Hội nghị COP 29.
Trước đó, phiên khai mạc đã bị hoãn lại tới 20 giờ cùng ngày các Nhóm nước thảo luận về chương trình nghị sự của Hội nghị. Cụ thể, các Bên còn có cách hiểu khác nhau về đoạn 97 của Quyết định 1/CMA.5 về thiết lập Đối thoại UAE về thực hiện kết quả của Đánh giá nỗ lực toàn cầu. Do đó, các Bên đã thống nhất đưa nội dung chương trinh này vào thảo luận tại mục 11j các vấn đề về tài chính trong khuôn khổ chương trình nghị sự CMA6.
Hội nghị năm nay được tổ chức trong bối cảnh nắng nóng, lũ lụt, bão lớn gây tổn thất nghiêm trọng cho nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiệt độ toàn cầu đã phá vỡ kỷ lục tại nhiều nơi; nồng độ CO2 trong khí quyển đạt 426.91 ppm tháng 6/2024 là mức cao nhất từng được ghi nhận; phát thải khí nhà kính toàn cầu năm 2023 tăng 1,3% so với 2022 và nhanh hơn mức 0,8% mỗi năm giai đoạn 2019-2020 cũng là mức kỷ lục của thế giới và chưa có dấu hiệu chậm lại.
Chu Hương – Bảo Trung (đưa tin từ Baku, Baku, A-déc-bai-gian)