Tin tức / Tin khoa học công nghệ
Thị trường carbon Việt Nam: Tiềm năng lớn, cơ hội vận hành rộng mở
Ngày đăng: 08/03/2025
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang phối hợp với Bộ Tài chính tích cực thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, để sớm triển khai thí điểm thị trường carbon và vận hành chính thức từ năm 2029.

Theo Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 24/1/2025, Việt Nam sẽ chủ động thành lập, phát triển thị trường carbon theo mô hình tập trung, đảm bảo nguyên tắc thị trường dưới sự quản lý, giám sát của nhà nước.

Trên cơ sở đó, đề án đặt ra mục tiêu từ tháng 6/2025 đến hết năm 2028, sàn giao dịch carbon trong nước sẽ được vận hành thí điểm; sau đó sàn giao dịch tiềm năng này sẽ đi vào vận hành chính thức từ năm 2029.

Xoay quanh nội dung trên, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Tăng Thế Cường - Cục trưởng Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường để làm rõ tiến độ, thời cơ của thị trường xanh này.

Tiến sĩ Tăng Thế Cường - Cục trưởng Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường

Nhiều triển vọng giảm phát thải khí nhà kính

- Đầu tiên, xin ông cho biết đánh giá về tiềm năng tín chỉ carbon của Việt Nam?

Tiến sĩ Tăng Thế Cường: Việt Nam được các chuyên gia, đối tác quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về giảm phát thải khí nhà kính, tạo tín chỉ carbon. Trên thực tế, chúng ta cũng là một quốc gia đang phát triển, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh phát thải lượng lớn khí nhà kính, trong khi việc ứng dụng công nghệ cao trong thực tiễn còn chưa nhiều. Do đó, chúng ta còn có nhiều dư địa để giảm phát thải khí nhà kính, tạo tín chỉ carbon. 

Ngoài ra, Việt Nam hiện có tỷ lệ che phủ rừng khá cao (hơn 42%) cũng như điều kiện để phát triển rừng, bảo vệ rừng và làm giàu rừng, gia tăng trữ lượng carbon rừng.

Lợi thế với chúng ta là việc trao đổi tín chỉ carbon ra thế giới đã được các doanh nghiệp thực hiện từ giữa những năm 2000 khi triển khai các chương trình, dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM). Việt Nam đã có hơn 300 chương trình, dự án đăng ký thực hiện theo tiêu chuẩn tín chỉ carbon, với khoảng 150 chương trình, dự án được cấp trên 40 triệu tín chỉ carbon và thực tế đã có trao đổi trên thị trường carbon thế giới.

Với số lượng chương trình, dự án nêu trên, Việt Nam đã trở thành một trong 4 nước có dự án CDM nhiều nhất, sau Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ; đứng thứ 9 trên tổng số 80 quốc gia có dự án CDM được cấp tín chỉ carbon, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng.

Trong thời gian gần đây, Việt Nam cũng đã có thêm nhiều dự án năng lượng tái tạo đã theo tiêu chuẩn tín chỉ carbon. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, chúng ta đã trao đổi 10,3 triệu tấn CO2 kết quả giảm phát thải từ rừng khu vực Bắc Trung Bộ. Hay như Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang có nhiều triển vọng.

 

- Theo ông, việc triển khai thị trường carbon sẽ đóng góp vai trò như thế nào đối với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP26 diễn ra tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh?

Tiến sĩ Tăng Thế Cường: Phát triển thị trường carbon là xu thế không thể đảo ngược để chuyển đổi xanh, cũng như thực hiện mục tiêu thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, phát triển công nghệ phát thải thấp, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nước ta.

Bên cạnh đó, thị trường carbon cũng được kỳ vọng sẽ đóng góp quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết tại COP26. Thị trường này phát triển cũng sẽ tạo cơ chế tài chính cho các doanh nghiệp và tổ chức mua bán tín chỉ carbon, mở ra cơ hội thu hút đầu tư quốc tế vào các dự án năng lượng tái tạo và công nghệ xanh.

Cần tiếp tục phải hoàn thiện cơ sở pháp lý

- Theo mục tiêu của Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, từ tháng 6/2025 đến hết 2028, Việt Nam sẽ vận hành thí điểm sàn giao dịch carbon trong nước. Xin hỏi tiến độ xây dựng sàn giao dịch hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon đến nay đang được triển khai thế nào, thưa ông?

Tiến sĩ Tăng Thế Cường: Triển khai Quyết định số 232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang phối hợp với Bộ Tài chính tích cực thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hàng hóa trên thị trường carbon; chủ thể tham gia thị trường carbon; hệ thống đăng ký quốc gia và sàn giao dịch carbon; tổ chức vận hành thị trường carbon; nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực.

Các nhiệm vụ chính mà các bộ, ngành được giao đang thực hiện để xây dựng, vận hành sàn giao dịch carbon gồm: Xây dựng Nghị định của Chính phủ về sàn giao dịch carbon trong nước; thiết lập, quản lý và vận hành Hệ thống đăng ký quốc gia về hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon, Hệ thống giao dịch, Hệ thống lưu ký và thanh toán hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon...

(Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

- Bên cạnh những lợi thế, hẳn quá trình triển khai cũng gặp không ít khó khăn. Vậy theo ông, thách thức lớn nhất khi triển khai thị trường carbon là gì?

Tiến sĩ Tăng Thế Cường: Thị trường carbon là một loại thị trường mới, trong khi các doanh nghiệp còn chưa làm tốt công tác kiểm kê khí nhà kính để xác định hạn ngạch phát thải khí nhà kính - là hàng hóa của thị trường.

Cơ sở pháp lý cũng còn đang tiếp tục phải hoàn thiện, đặc biệt các quy định chi tiết về giao dịch; đấu giá hạn ngạch phát thải khí nhà kính; biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường carbon; trung gian và môi giới giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính; phí, lệ phí; hay xử lý vi phạm vẫn, cũng cần phải được cụ thể hóa.

Bên cạnh đó, thực tế hiện nay cho thấy nước ta cũng chưa có tiêu chuẩn tín chỉ carbon riêng. Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực am hiểu về phát triển dự án tạo tín chỉ carbon và thẩm định dự án tạo tín chỉ carbon đang còn thiếu.

- Dự kiến trong thời gian tới, có hơn 2.166 doanh nghiệp thuộc diện phải kiểm kê, báo cáo mức độ phát thải khí nhà kính theo Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Xin hỏi những doanh nghiệp này thuộc nhóm ngành nghề nào và những doanh nghiệp nào sẽ bị áp trần phát thải khí nhà kính, tạo tiền đề tham gia thị trường carbon tới đây, thưa ông?

Tiến sĩ Tăng Thế Cường: Các doanh nghiệp phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính được quy định tại Danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính mới nhất do Thủ tướng Chính phủ ban hành định kỳ 2 năm một lần.

Theo Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (cập nhật) do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 13/8/2024, cơ sở thuộc danh mục là: Các nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên; công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên.

Trong giai đoạn đến hết năm 2028, dự kiến các lĩnh vực phát thải khí nhà kính lớn (gồm nhiệt điện, sản xuất sắt thép, sản xuất ximăng) sẽ được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính căn cứ theo tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các cơ sở được phân bổ hạn ngạch có quyền mua, bán hạn ngạch và tín chỉ carbon để bù vào lượng phát thải khí nhà kính vượt quá hạn ngạch cho phép.

(Ảnh minh họa. Nguồn: PanNature)

Sẽ sớm triển khai thí điểm để vận hành sàn carbon chính thức từ năm 2029

- Thời gian qua, một số tổ chức quốc tế mong muốn mua tín chỉ carbon. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng băn khoăn rằng nếu bán tín chỉ carbon ra quốc tế thì sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam về sau. Xin hỏi quan điểm của ông thế nào?

Tiến sĩ Tăng Thế Cường: Việc bán tín chỉ carbon trong thời gian qua đã mang lại lợi ích bổ sung cho doanh nghiệp khi tạo thêm nguồn thu, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, cần xem xét đến các yếu tố như: Nhu cầu về tín chỉ carbon trong nước; sự hỗ trợ của quốc tế trong việc đầu tư tài chính, công nghệ để thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính; giai đoạn hay thời kỳ sử dụng tín chỉ carbon…

Do đó, việc bán hay giữ tín chỉ carbon cần cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên và cân nhắc chiến lược dài hạn về xu hướng biến động về giá tín chỉ carbon trên thế giới.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang chủ trì rà soát các chương trình, thỏa thuận hợp tác về các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, chuyển nhượng kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính song phương, đa phương và quốc tế đã ký kết bảo đảm việc thực hiện mục tiêu, cam kết giảm phát thải theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và lợi ích quốc gia.

- Vậy để tạo ra được tín chỉ carbon và cạnh tranh được trên thị trường, cũng như vận hành sàn giao dịch carbon hiệu quả, theo ông, yêu cầu đặt ra là gì?

Tiến sỹ Tăng Thế Cường: Để tạo ra tín chỉ carbon và vận hành sàn giao dịch carbon hiệu quả, cần khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý như Nghị định về sàn giao dịch carbon sớm được ban hành; xây dựng các quy định rõ ràng về tiêu chuẩn tín chỉ carbon, giao dịch, đấu giá hạn ngạch, xử lý vi phạm; tập trung đào tạo nguồn nhân lực am hiểu về phát triển dự án tạo tín chỉ carbon, thẩm định dự án tạo tín chỉ carbon; học hỏi kinh nghiệm các nước đi trước và đẩy mạnh hợp tác hỗ trợ kỹ thuật.

- Với khát vọng vươn mình và xu thế phát triển xanh của đất nước, theo ông, Việt Nam có thể vận hành chính thức sàn giao dịch carbon từ năm 2029?

Tiến sĩ Tăng Thế Cường: Với những nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cần thiết, nâng cao năng lực và tăng cường hợp tác quốc tế, Việt Nam sẽ sớm triển khai thí điểm thị trường carbon và vận hành chính thức sàn giao dịch carbon từ năm 2029.

Trong quá trình triển khai thực hiện cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đưa thị trường vào hoạt động minh bạch, hiệu quả, đóng góp tích cực vào mục tiêu chuyển đổi xanh của đất nước./.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hùng Võ (Vietnam+)

Các tin khác