Bằng cách đặt nền móng cho một quá trình chuyển đổi nhanh chóng, công bằng, công lý, Thỏa thuận COP28 được coi là báo hiệu cho “sự khởi đầu của kết thúc" kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch.
Gõ búa kết thúc Hội nghị, Chủ tịch COP28 ông Sultan Al Jaber đã mô tả thỏa thuận này là một “chiến thắng thực sự” của sự thống nhất, đoàn kết và hợp tác; chiến thắng cho những người chân thành và chân chính trong việc giải quyết thách thức khí hậu toàn cầu. Đây là thành tựu lịch sự đáng tự hào trên tiến trình đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại và hành tinh.
Toàn cảnh ngày kết thúc Hội nghị COP 28
Tổng thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), ông Simon Stiell nhấn mạnh: Ngay từ bây giờ, tất cả các chính phủ và doanh nghiệp cần biến những cam kết thành kết quả trong thực tế. Trong những năm quan trọng sắp tới, quyết tâm của các Bên sẽ là động lực quan trọng nhất.
Quyết định Đánh giá nỗ lực toàn cầu (GTS) lần đầu tiên được xem là kết quả quan trọng nhất của Hội nghị COP28. GST bao gồm mọi yếu tố đang được đàm phán và có thể được các quốc gia sử dụng để đưa ra các kế hoạch hành động khí hậu mạnh mẽ hơn cho giai đoạn trước năm 2030 - với mục tiêu bao trùm là giữ giới hạn tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5°C vào cuối thể kỉ so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Phát biểu tại Phiên họp, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu ông John Kerry cho rằng: GST đã gửi thiệp mạnh cho thế giới về việc cần giữ mục tiêu 1,5 độ C, và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật tiếp theo của các quốc gia phải phù hợp với mục tiêu này. Cụ thể là định hướng tăng gấp 3 năng lượng tái tạo; gấp đôi hiệu quả năng lượng, đẩy nhanh nỗ lực hướng tới giảm dần nhà máy nhiệt điện than không áp dụng các biện pháp giảm phát thải. “Lần đầu tiên trong lịch sử có 1 quyết định chuyển dịch từ năng lượng than sang năng lượng sạch, phù hợp với mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu” – ông John Kerry bày tỏ và nhấn mạnh vấn đề tài chính khí hậu cần có chính sách, hỗ trợ các đối tác, các nước đang phát triển có tương lai chống chịu với khí hậu và bền vững.
Ông Phạm Văn Tấn Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu tại hội nghị
Báo cáo khoa học cho thấy lượng khí thải nhà kính toàn cầu cần phải được cắt giảm 43% vào năm 2030, so với mức năm 2019, để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C.
Trong ngắn hạn, các Bên cần đưa ra các mục tiêu giảm phát thải đầy tham vọng trên toàn nền kinh tế, bao gồm tất cả các loại khí nhà kính, các lĩnh vực và danh mục và phù hợp với giới hạn 1,5°C khi nộp NDC vào năm 2025 cho giai đoạn đến 2035.
Về quỹ tổn thất và thiệt hại, các Bên đã đạt được một thỏa thuận lịch sử về việc vận hành quỹ tổn thất và thiệt hại ngay ngày đầu tiên của Hội nghị. Đến nay, các Bên đã cam kết tổng cộng hơn 700 triệu USD cho Quỹ.
Về mục tiêu thích ứng toàn cầu, các Bên đã nhất trí về các mục tiêu thích ứng toàn cầu (GGA), trong đó phản ánh nhu cầu hỗ trợ tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực để đạt được mục tiêu.
Về tài chính khí hậu - 1 trong những nội dung quan trọng của hội nghị, Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) đã nhận được tổng mức cam kết tài trợ mới kỷ lục tại COP28, lên tới 12,8 tỷ USD từ 31 quốc gia, và vẫn còn những đóng góp dự kiến .
Chính phủ 8 quốc gia đã công bố các cam kết mới đối với Quỹ Các nước kém phát triển nhất và Quỹ Biến đổi khí hậu đặc biệt với tổng trị giá hơn 174 triệu USD. Trong khi đó, cam kết tài chính mới cho Quỹ thích ứng là gần 188 triệu USD.
Về trao quyền cho khí hậu và kế hoạch hành động giới, các Bên tiếp tục nhấn mạnh lại vai trò thiết yếu của việc trao quyền cho tất cả các bên liên quan tham gia vào hành động khí hậu; đặc biệt thông qua kế hoạch hành động về trao quyền cho khí hậu và kế hoạch hành động giới.
Các cuộc đàm phán về "khuôn khổ minh bạch tăng cường" tại COP28 đã đặt nền móng cho một kỷ nguyên mới trong việc thực hiện Thỏa thuận Paris. UNFCCC đã giới thiệu và thử nghiệm các công cụ báo cáo và đánh giá minh bạch tại COP28. Các phiên bản cuối cùng sẽ được cung cấp cho các Bên vào tháng 6/2024.
Chu Hương đưa tin từ UAE