Tin tức / Hội nghị COP các Bên tham gia UNFCCC
Nỗ lực thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26
Ngày đăng: 14/07/2022
Tại phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu việc thực hiện các cam kết phải có lộ trình khoa học, thực tiễn, hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sáng 14/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 chủ trì Phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ 3 Ban Chỉ đạo Quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ các cuộc họp trước đã quán triệt các nội dung liên quan lãnh đạo, chỉ đạo về tổ chức, đưa ra một số nhiệm vụ giải pháp.

Trên cơ sở tài liệu đã có, các đại biểu đã tập trung thảo luận đánh giá lại từ phiên họp thứ 2 đến giờ đã làm được gì, chưa làm được gì, cái gì cần rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo để tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra, tháo gỡ những khó khăn, những cơ chế, chính sách pháp luật tạo thuận lợi thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26. Chống biến đổi khí hậu là vấn đề có tính toàn cầu, toàn dân, cho nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân.

Phiên họp này, các đại biểu xem xét cho ý kiến về dự thảo Đề án tổ chức Hội nghị đối thoại hợp tác tiết kiệm thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi năng lượng của Ban Chỉ đạo đối với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển tới đây.

Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo đánh giá tình hình triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP 26.               Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Triển khai cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 về biến đổi khí hậu

Các tổ chức quốc tế muốn tổ chức đối thoại Việt Nam để bàn việc triển khai chống biến đổi khí hậu nói chung và tinh thần cam kết tại COP26. Đây là hội nghị quan trọng để tăng cường nhận thức, thống nhất hành động, nhất là với các đối tác quốc tế để chúng ta có nhận thức tổng thể, khách quan liên quan thực hiện chương trình công tác, đặc biệt thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.

Các vấn đề liên quan phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, liên quan giảm phát thải methane, phát triển rừng… đặt ra yêu cầu thực hiện cho các bộ, ngành, địa phương. Cụ thể là vấn đề chuyển đổi năng lượng công bằng, công lý với các nước đối tác.  

Do đó phải đề nghị các đối tác phải dựa trên công bằng, công lý, có bước đi lộ trình phù hợp một nước đang phát triển, đòi hỏi phải có sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế về hoàn thiện thể chế, nguồn nhân lực, nguồn vốn, công nghệ, cách quản trị.

Các thành viên Ban chỉ đạo tham dự cuộc họp.  Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận tập trung trọng tâm, trọng điểm, quan trọng là đưa ra giải pháp, các bộ, ngành trên cơ sở chức năng, quyền hạn tổ chức thực hiện, tránh tình trạng “họp xong để đó”; sau mỗi phiên họp phải đánh giá được kết quả thực hiện của phiên họp trước, đề ra nội dung cho phiên họp tới.

Việc thực hiện các cam kết COP26 phải có lộ trình khoa học, thực tiễn, hiệu quả, vừa có vấn đề trước mắt hàng quý, hàng tháng, vừa có vấn đề dài hạn 5 năm, vì công việc này không phải chỉ làm trong vài năm mà phải có chiến lược đến 2050.

Các bộ ngành cần đổi mới cách lãnh đạo, chỉ đạo, theo chức năng, quyền hạn để đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các cam kết COP26; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc./.

Phạm Tiếp (TTXVN/Vietnam+)

Các tin khác