Tin tức / Hội nghị COP các Bên tham gia UNFCCC
COP 26: ASEAN thúc đẩy tham vọng giảm phát thải thông qua NDC cập nhật
Ngày đăng: 11/11/2021
Trong khuôn khổ COP 26 đã diễn ra sự kiện bên lề Đối tác NDC ASEAN - Tham vọng khu vực thông qua NDC cập nhật. Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Trưởng nhóm công tác ASOEN Việt Nam về biến đổi khí hậu (AWGCC) tham dự sự kiện này.

* NDC – Nội dung quan trọng nhất của Thỏa thuận Paris

Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) được xem là một trong những nội dung quan trọng nhất của Thỏa thuận Paris. Thỏa thuận này đã được 197 quốc gia thông qua tại Hội nghị COP21 tại Paris, Pháp năm 2015.

Sở dĩ NDC là nội dung quan trọng nhất bởi NDC thể hiện nỗ lực của mỗi quốc gia nhằm giảm lượng khí thải khí nhà kính và thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu. Mỗi quốc gia đề ra lộ trình giảm phát thải cũng như đề ra các giải pháp nhằm thực hiện cho được các mục tiêu này.

Thỏa thuận Paris đã được ký kết và phê chuẩn bởi tất cả quốc gia khu vực ASEAN. Từ năm 2020 đến năm 2021, các quốc gia trong khu vực đã đệ trình NDC cập nhật, NDC được xem như một cam kết về những đóng góp của các quốc gia trong khu vực.

Tuy nhiên, để thực hiện các NDC được cập nhật của mình một cách hiệu quả, các nước trong khu vực cần xây dựng và thực hiện các chính sách sáng tạo về biến đổi khí hậu về giảm nhẹ và thích ứng, khung thể chế và xây dựng chiến lược huy động các nguồn lực và hỗ trợ.

Mục tiêu của sự kiện bên lề nhằm chia sẻ kinh nghiệm các quốc gia trong khu vực về quá trình cập nhật NDC; các thách thức gặp phải; Thông báo những tiến bộ trong việc đạt được mục tiêu NDC của ASEAN. Đồng thời chia sẻ vai trò của các Bên liên quan và thúc đẩy các sáng kiến ​​khu vực ASEAN về hỗ trợ thực hiện NDC.

* Việt Nam: Các bên đều tham gia giảm phát thải

Tháng 9/2020, Việt Nam đã hoàn thành cập nhật NDC và là một trong 20 quốc gia đệ trình báo cáo này sớm nhất lên Ban thư ký Công ước khí hậu (UNFCCC). So với NDC đầu tiên được xây dựng năm 2015, mức đóng góp của NDC cập nhật năm 2020 đã tăng cả về lượng giảm phát thải và tỉ lệ giảm phát thải.

Chia sẻ cụ thể về NDC cập nhật, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Trưởng nhóm công tác ASOEN Việt Nam về biến đổi khí hậu (AWGCC) cho biết các quá trình công nghiệp là lĩnh vực mới trong NDC cập nhật của Việt Nam.

Ông Phạm Văn Tấn phát biểu tại sự kiện

Về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Việt Nam tăng cam kết cả phần quốc gia tự thực hiện và qua các hợp tác song phương, đa phương khác. Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực đưa các cam kết vào Luật bảo vệ môi trường đã được Quốc Hội thông qua vào năm 2020. Điều này có nghĩa là tất cả mọi người phải thực hiện không chỉ Chính phủ.

“Ở cấp cơ sở, Bộ TN&MT Việt Nam đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định xác định cơ sở phát thải lớn cần giảm phát thải khí nhà kính. Thông qua hình thức này chúng ta thấy các bên đều tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu”, ông Tấn nói.

Theo ông Tấn, thị trường các-bon là công cụ quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính. Thách thức của Việt Nam là thông tin, khi thu thập thông tin từ các Bộ, ngành khác nhau, cần thời gian để xử lý số liệu, làm như thế nào để đưa tất cả mọi người cùng thống nhất việc đưa ra cam kết. Bên cạnh đó tài chính là một trong những thách thức.

* Chia sẻ từ thành viên ASEAN

Tại sự kiện bên lề, ông Hak Mao, đại diện Campuchia cho biết, cập nhật NDC giúp tăng cường tham vọng giảm phát thải. Khi xây dựng INDC các lĩnh vực không được đề cập. Khi cập nhật NDC, Campuchia đã bổ sung các lĩnh vực rác thải, nông nghiệp, các lĩnh vực liên ngành như giới. Bên cạnh đó ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong thực hiện NDC cập nhật.

Theo ông Hak Mao, việc thực hiện NDC cập nhật vẫn không thể giúp nhiệt độ tăng dưới 2 độ C, chúng ta cần phải xây dựng chiến lược ngắn, trung và dài hạn.

Bà Noor Dina Zharina Yahya, Vương quốc Brunei cho biết Brunei đã nộp NDC đầu tiên vào tháng 12 năm 2020 với lộ trình giảm 20% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường vào năm 2030. Tuyên bố Bandar Seri Begawan về thanh niên ASEAN cho các hành động khí hậu đã được phê duyệt vào 17/10/2021. Bên cạnh đó Brunei đề xuất sáng kiến xây dựng Trung tâm ASEAN về biến đổi khí hậu nhằm chia sẻ kiến thức, chính sách và điều phối các hoạt động liên quan tới biến đổi khí hậu.

Đại diện các quốc gia ASEAN tham dự sự kiện

Đại diện từ Indonesia, bà Emma Rachmawaty cho biết, Indonesia nộp NDC cập nhật bao gồm chiến lược dài hạn ngày 27/7/2021. Chiến lược dài hạn đưa ra định hướng dài hạn cho quốc gia, chúng tôi hợp tác với các Bộ, ngành, đối tác có liên quan để xây dựng. NDC đầu tiên chúng tôi xây dựng lộ trình thực hiện NDC, đối với từng lĩnh vực, xác định các hoạt động cụ thể từ các đối tác, các thành phố. Lộ trình thực hiện NDC được sử dụng để báo cáo về kết quả thực hiện NDC của Indonesia. Tuy nhiên chúng tôi chưa xác định được mục tiêu phát thải trung hòa vào năm 2060 hoặc sớm hơn. Chúng tôi vẫn đang tính toán liên quan tới nội dung này. Indonesia sử dụng định giá các-bon là một trong những công cụ để thực hiện NDC.

Ông Dato Seri Ir. Drr, Zaini Ujang đại diện Malaysia cho biết, trong giai đoạn đại dịch COVID 19 diễn ra quốc gia này vẫn cố gắng để xây dựng NDC. Theo Malaysia, cần đặt ra mục tiêu đạt được các-bon trung tính vào năm 2050. Để thực hiện lộ trình giảm phát thải, Thủ tướng nước này đã tuyên bố không đưa ra các nhà máy điện than mới tại Malaysia. Liên quan tới lâm nghiệp, Malaysia đặt ra mục tiêu 53,3% độ che phủ rừng.

Ông Heng Jian Wei cho biết, Singapore đã cập nhật NDC và Chiến lược phát thải thấp dài hạn vào tháng 3 năm 2020. Sigapore dự kiến đạt đỉnh phát thải vào năm 2030 (65 Mt CO2 tương đương); và dự kiến đạt mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050 (33 Mr CO2 tương đương). Đầu năm 2021, Singapore đưa ra kế hoạch phá triển xanh gồm 5 nhóm thành phố trong thiên nhiên, tái khởi động năng lượng, sống bền vững, kinh tế xanh, tương lai chống chịu với khí hậu.

“Singapore là quốc ra đầu tiên trong khu vực đưa ra thuế các-bon, chúng tôi hy vọng sẽ đưa ra tuyên bố này vào tháng 2/3 năm 2022. Khu vực ASEAN có nhiều cơ hội hợp tác liên quan tới công nghệ, tài chính xanh và thị trường các-bon”, ông Heng Jian Wei nói.

Thái Lan sẽ giảm 20% phát thải KNK vào năm 2030, đạt trung hòa các-bon vào năm 2050, và phát thải ròng vào hoặc trước năm 2065. Các thách thức hiện nay Thái Lan gặp phải là hạn chế thương mại quốc tế gián tiếp (Cơ chế điều chỉnh các bon biên giới CBAM, ICAO, các tiêu chuẩn quy chuẩn). Ông đề cập tới chiến lược quan trọng đề đạt được mục tiêu net-zero về chính sách, sự tham gia của các bên, công nghệ và đổi mới sáng tạo, huy động nguồn lực từ các quỹ, hợp tác với các ngân hàng ở Thái lan. Về thách thức đạt được chiến lược phát thải thấp dài hạn, ở Thái Lan có 03 thách thức chính liên quan tưới công nghệ, nguồn lực tài chính để chuyển đổi nhanh chóng nền kinh tế phát thải các-bon thấp, công cụ và cơ chế tài chính trong thập kỷ tới; bên cạnh đó năng lực của các chuyên gia trong mô hình hóa chiến lược dài hạn, sự có sẵn của số liệu cũng là các thách thức lớn của quốc gia.

Mỗi quốc gia trong khu vực ASEAN có điểm chung về tính tổn thương trước tác động của BĐKH, mỗi quốc gia có cam kết mạnh về thực hiện Thỏa thuận Paris, tùy thuộc và năng lực của quốc gia. Mỗi nước cũng có sự khác nhau về chiến lược phát thải dài hạn, các lĩnh vực giảm nhẹ, thích ứng BĐKH. Về hợp tác trong khu vực, chúng ta có nhiều diễn đàn, khung hợp tác để chúng ta có thể hợp tác trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông qua sự kiện bên lề, các quốc gia đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, thách thức gặp phải khi xây dựng, thực hiện NDC và bước đầu đề xuất hợp tác trong khu vực để thực hiện NDC cập nhật.

Chu Thanh Hương (từ COP 26, Glasgow, Vương quốc Anh)