Hội nghị COP21 đã thông qua Thỏa thuận Paris và Đóng góp do các quốc gia tự quyết định
Bối cảnh và quá trình cập nhật NDC
Thoả thuận Paris được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) năm 2015 và có hiệu lực năm 2016, đã có 189 Bên tham gia, ràng buộc trách nhiệm đóng góp của tất cả các quốc gia tham gia về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), đóng góp tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực. Đây là khuôn khổ pháp lý toàn cầu đầu tiên ràng buộc trách nhiệm của tất cả các Bên trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH để phát triển bền vững. Nội dung quan trọng nhất của Thoả thuận Paris quy định việc các Bên tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện NDC; giám sát, đánh giá việc thực hiện và cung cấp nguồn lực tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực để thực hiện NDC. NDC cung cấp những thông tin về đóng góp do một quốc gia sẽ thực hiện nhằm ứng phó với BĐKH toàn cầu trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại và dự báo trong tương lai.
Đến nay, tất cả các Bên tham gia Thỏa thuận Paris đã đệ trình NDC cho Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC). Tuy nhiên, nội dung NDC của các nước rất khác nhau, đưa ra các đóng góp dự kiến phù hợp với bối cảnh của mỗi nước và đồng thời cũng đưa ra các điều kiện để thực hiện các đóng góp đó. Nếu thực hiện toàn diện các NDC, mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu vẫn cao so với thời kỳ tiền công nghiệp khoảng 3oC, cao hơn nhiều so với mục tiêu nêu trong Thoả thuận Paris thực hiện Công ước là hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở dưới ngưỡng 2oC và tiến tới hạn chế mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Để thu hẹp thiếu hụt trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, Ban Thư ký UNFCCC đã yêu cầu các quốc gia rà soát và cập nhật NDC, bảo đảm NDC là nỗ lực cao nhất của quốc gia. Việc rà soát và cập nhật NDC phải hoàn thành trong năm 2020 và tiếp tục thực hiện định kỳ 5 năm một lần để gửi Ban Thư ký UNFCCC.
NDC của Việt Nam được đệ trình vào tháng 9 năm 2015. Khi đó, NDC của Việt Nam cũng như của các quốc gia khác mới ở mức dự kiến (Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định - INDC). Thực hiện quy định của COP21 và nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện rà soát, cập nhật NDC trên cơ sở điều kiện phát triển của đất nước.
Các Bộ, ngành đã chủ động tham gia, đóng góp tích cực trong quá trình rà soát và cập nhật NDC, cung cấp các thông tin chính thức nhằm đảm bảo các mục tiêu của NDC cập nhật có tính khả thi, thể hiện nỗ lực cao nhất của Bộ, ngành, lĩnh vực phù hợp với điều kiện hiện tại và dự báo đến 2030.
Những nội dung được cập nhật
NDC của Việt Nam được rà soát và cập nhật, bao gồm đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH phù hợp hơn với hiện trạng và dự báo phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia đến 2030; bảo đảm mục tiêu thực hiện NDC phù hợp với các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Chiến lược phòng chống thiên tai.
Đồng thời, áp dụng một số yêu cầu mới đối với NDC được thông qua tại Hội nghị COP24 phù hợp với khả năng của Việt Nam. Làm rõ hơn nội dung về tổn thất và thiệt hại, bổ sung những nỗ lực mới nhất của Việt Nam trong thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Bổ sung nội dung đánh giá tác động của việc thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đến phát triển kinh tế - xã hội. Bổ sung nội dung phân tích về đồng lợi ích giữa thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững. Bổ sung các chỉ số phù hợp tạo thuận lợi cho việc theo dõi, đánh giá định kỳ tiến độ thực hiện NDC. Bổ sung nội dung hệ thống quốc gia về đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) đối với các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, hệ thống giám sát và đánh giá (M&E) đối với các hoạt động thích ứng với BĐKH phục vụ cho việc thực hiện NDC. Làm rõ hơn những thuận lợi, khó khăn và kế hoạch thực hiện NDC trong bối cảnh quốc tế, quốc gia hiện nay và các giải pháp khắc phục.
Đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
NDC cập nhật đã bổ sung lĩnh vực các quá trình công nghiệp (IP) trong kiểm kê khí nhà kính, BAU và các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Năm cơ sở được sử dụng là 2014, năm có kết quả kiểm kê khí nhà kính cập nhật nhất sau khi Việt Nam tham gia Thỏa thuận Paris (năm cơ sở trong NDC là năm 2010).
Cập nhật BAU và tăng mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Theo đó, bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với BAU và có thể tăng đóng góp lên tới 27% khi nhận được hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện các cơ chế mới theo Thỏa thuận Paris về BĐKH.
So với NDC đã đệ trình, đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong NDC cập nhật trong trường hợp quốc gia tự thực hiện đã tăng cả về lượng giảm phát thải (so với BAU) và tỉ lệ giảm phát thải. Cụ thể, lượng giảm phát thải tăng thêm 21,2 triệu tCO2tđ (từ 62,7 triệu tCO2tđ lên 83,9 triệu tCO2tđ) tương ứng với tỉ lệ giảm phát thải đã tăng thêm 1% (từ 8% lên 9%). Mức đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính khi có hỗ trợ quốc tế tăng từ 25% lên 27%, lượng giảm phát thải đã tăng thêm 52,6 triệu tCO2tđ (từ 198,2 triệu tCO2tđ lên 250,8 triệu tCO2tđ).
Phát triển các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam
Đóng góp về thích ứng với biến đổi khí hậu
NDC cập nhật đã xác định các nhiệm vụ chiến lược về thích ứng với BĐKH, bao gồm: Nâng cao hiệu quả thích ứng với BĐKH thông qua việc tăng cường quản lý nhà nước và nguồn lực cho thích ứng với BĐKH; tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do BĐKH.
Các giải pháp thích ứng nhằm giảm thiểu thiệt hại gây bởi các tác động liên quan đến những thay đổi của khí hậu trong tương lai được xác định cụ thể cho từng lĩnh vực (gồm: tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, sức khỏe cộng đồng, đô thị, nhà ở, giao thông vận tải, du lịch và nghỉ dưỡng, công nghiệp và thương mại) và cho từng khu vực (đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, khu vực ven biển, miền núi).
Đồng thời, NDC cập nhật đã đưa vào nội dung Hài hòa và đồng lợi ích. Phân tích hài hòa và đồng lợi ích giữa giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH, phát triển kinh tế - xã hội gắn với các mục tiêu phát triển bền vững, nhằm hỗ trợ xác định các hành động nhằm tối ưu hoá chi phí và lợi ích.
NDC cập nhật là nỗ lực cao nhất của Việt Nam
Trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của một nước đang phát triển, chịu nhiều tác động của BĐKH, NDC cập nhật của Việt Nam đã thể hiện nỗ lực cao nhất của quốc gia trong góp phần giảm nhẹ BĐKH toàn cầu, thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH và Thỏa thuận Paris.
Năm 2014, lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng phát thải khí nhà kính toàn cầu và mức phát thải bình quân đầu người là 2,84 tấn CO2tđ. Tuy nhiên, Việt Nam đã tích cực thực hiện các hoạt động ứng phó với BĐKH, định hướng phát triển nền kinh tế theo hướng các-bon thấp, tăng trưởng xanh và tăng cường thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính có tiềm năng trong các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp và chất thải cũng như tăng cường khả năng hấp thụ các-bon trong lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp.
Nỗ lực của quốc gia còn được thể hiện qua việc Chính phủ coi ứng phó với BĐKH là vấn đề có ý nghĩa sống còn, là trách nhiệm của cả nước trong việc thực hiện đồng thời các hoạt động thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Các nỗ lực được xem xét và đưa vào các văn bản, quy định cụ thể trách nhiệm các tổ chức, cá nhân trong thực hiện ứng phó với BĐKH nói chung và thực hiện NDC cập nhật nói riêng trong giai đoạn kể từ năm 2021 trở đi.
Phát triển các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam
Triển khai và giám sát thực hiện NDC cập nhật
Kể từ năm 2021, Việt Nam sẽ phải có trách nhiệm thực hiện đóng góp theo NDC. Việt Nam đã ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ với 68 nhóm nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2030. Thực hiện NDC của Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm về ứng phó với BĐKH ở nước ta trong giai đoạn mới, vừa đáp ứng yêu cầu thực tế ứng phó BĐKH trong nước vừa thực hiện trách nhiệm đóng góp với cộng đồng quốc tế.
Triển khai thực hiện NDC cập nhật đòi hỏi nguồn lực lớn cả về tài chính, công nghệ và nhân lực. Các giải pháp thúc đẩy việc thực hiện NDC cập nhật gồm có xây dựng và hoàn thiện chính sách, thể chế; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức; phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Việc thực hiện NDC cập nhật của Việt Nam sẽ là trách nhiệm của nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng. Cơ quan đầu mối giúp Chính phủ là Bộ Tài nguyên và Môi trường với sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định của pháp luật.
Nguồn lực tài chính cho thực hiện NDC cập nhật được huy động từ nhiều kênh khác nhau, tuân thủ Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư và các văn bản pháp luật liên quan khác. Một số kênh huy động gồm ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương), hỗ trợ quốc tế, nguồn lực của các doanh nghiệp và đóng góp của cộng đồng.
Thực hiện NDC, Việt Nam có cơ hội tăng cường hợp tác quốc tế cho ứng phó với BĐKH. Hiện nay, đã có nhiều đối tác quốc tế lớn quan tâm, xúc tiến và sẵn sàng tham gia hỗ trợ Việt Nam thực hiện NDC, cũng như các chương trình, dự án hỗ trợ cho ứng phó với BĐKH tại Việt Nam trong thời gian tới.
Để thúc đẩy triển khai thực hiện NDC cập nhật, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Chương trình Hỗ trợ thực hiện NDC trong giai đoạn 2021-2030, đồng thời xây dựng cập nhật chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2050 gồm cả việc các mục tiêu nêu tại NDC cập nhật và các nội dung theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris.
Nhằm giám sát và đánh giá, hệ thống hỗ trợ việc công khai minh bạch được xây dựng nhằm theo dõi, đánh giá các hoạt động và kết quả thực hiện nội dung của NDC cập nhật, bao gồm: Thiết lập hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) các hoạt động giảm nhẹ khí nhà kính ở cấp quốc gia và cấp ngành; Thiết lập hệ thống giám sát và đánh giá (M&E) các hoạt động thích ứng với BĐKH ở cấp quốc gia, cấp địa phương và cấp dự án; Giám sát và đánh giá trong huy động nguồn lực ứng phó với BĐKH cấp quốc gia; xây dựng các báo cáo ngân sách cho ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh phục vụ đánh giá nỗ lực toàn cầu định kỳ; xây dựng hệ thống giám sát chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện thủ tục đệ trình NDC cập nhật với Ban thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC); chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các đối tác quốc tế tổ chức triển khai thực hiện NDC theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ./.
Nguồn: Cục Biến đổi khí hậu