Tin tức / Hội nghị COP các Bên tham gia UNFCCC
Sẵn sàng cho COP25: Hướng đến thực hiện toàn diện Đóng góp do Quốc gia tự Quyết định
Ngày đăng: 14/10/2019
Hướng đến mục tiêu của COP25, ngày 8/10, Nhóm công tác về Biến đổi Khí hậu (CCWG), Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) Việt Nam và Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) hội thảo chuẩn bị cho Hội nghị COP25: Sẵn sàng cho COP25: Hướng đến thực hiện toàn diện Đóng góp do Quốc gia tự Quyết định (NDC). Hội thảo này đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề bình đẳng giới trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Từ ngày 2 đến 13/12 tại Chi lê sẽ diễn ra Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25). COP 25 có chủ đề “Thời gian cho Hành động (Time for Action) nhằm kêu gọi các quốc gia cam kết tham vọng hơn và hành động mạnh mẽ trong cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu đang rất nguy cấp.

* Phụ nữ tham gia chống biến đổi khí hậu – một hiện tượng thú vị ở Việt Nam

Bình đẳng giới là Mục tiêu phát triển bền vững số 5 đã được Liên hợp quốc thông qua năm 2015. Bình đẳng giới không chỉ là một quyền cơ bản của con người, nó còn là một nền tảng cần thiết cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng và bền vững.

Bà Yvonne Blos, Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Yvonne Blos, Giám đốc dự án Biến đổi Khí hậu, Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) tại Việt Nam nhấn mạnh, ba yếu tố cần thiết để đạt được sự chuyển đổi sinh thái xã hội là công lý khí hậu, chuyển đổi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tham gia của chính trị và giáo dục. Ở cả 3 khía cạnh này, vấn đề giới đều cần xem xét thấu đáo.

“Các nghiên cứu và kết quả khảo sát đêu cho thấy những người nghèo và thiệt thòi dễ bị tác động nhất của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, họ lại là những người ít có tác động gây ra biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, phụ nữ là đối tượng dễ tổn thương bởi biến đổi khí hậu hơn nam giới. Đó là điều cần tính đến để đảm bảo sự công bằng trong chính sách khí hậu’, bà Yvonne Blos nói.

Bà Yvonne Blos chia sẻ, một hiện tượng thú vị ở Việt Nam là phụ nữ đặc biệt tích cực trong việc giải quyết biến đổi khí hậu, cụ thể là trong việc chuyển đổi năng lượng bền vững, bảo vệ môi trường. Bởi thế, tiếng nói của họ trong lĩnh vực này cần được lắng nghe, họ cần được tham gia các cuộc đối thoại chính sách với những người ra quyết định ở các cấp.

Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Quang Tin, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, phụ nữ đặc biệt là phụ nữ nông thôn bị ảnh hưởng nặng nề cả do định kiến giới, tập quán sản xuất và do bối cảnh văn hóa. Nhưng phụ nữ lại có sức mạnh và vai trò to lớn trong sản xuất nông nghiệp nói riêng, ứng phó với BĐKH và phát triển kinh tế xã hội nói chung.

Theo ông Tin, lao động nữ chiếm 58% lực lượng lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, họ là những người đóng góp rất nhiều vào các hoạt động canh tác của hộ gia đình và có vai trò then chốt trong việc đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng, góp phần thực hiện các kế hoạch, chiến lược của ngành và các cam kết của quốc gia trong giảm phát thải khí nhà kính ngành nông nghiệp. Phụ nữ Việt Nam thực sự là lực lương quan trọng, đóng góp tích cực vào ứng phó với biến đổi khí hậu, và xây dựng và phát triển kinh tế xã hội.

Toàn cảnh hội thảo

Bà Alison Rusinow, Giám đốc quốc gia Tổ chức Phát triển Hà Lan tại Việt Nam (SNV) cũng cho rằng, biến đổi khí hậu thường tăng cường sự chênh lệch giới tính kinh tế và xã hội hiện có. Nhưng các chính sách và hành động về khí hậu phù hợp với giới và lứa tuổi có thể giải quyết những khác biệt này, đồng thời nâng hiệu quả việc thích ứng với biến đổi khí hậu và củng cố bình đẳng giới.

Bà Chu Thanh Hương (Cục Biến đổi khí hậu) cho biết, trong Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam cũng khẳng định phụ nữ dễ tổn thương hơn trong biến đổi khí hậu. Đó là các tác động đến công việc của phụ nữ trong nông nghiệp; tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, thời tiết khắc nghiệt đối với sức khỏe của phụ nữ; biến đổi khí hậu khiến phụ nữ phải di cư nhiều hơn nam giới… NDC của Việt Nam cũng đang rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với việc phát triển sinh kế, quy trình sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu, liên quan đến xóa đói giảm nghèo và công bằng giới, công bằng xã hội.

* Hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) nhấn mạnh đến sự hợp tác có hiệu quả của các tổ chức xã hội dân sự trong thời gian qua.

Theo ông Tấn, Cục Biến đổi khí hậu đã hợp tác chặt chẽ với các tổ chức, cá nhân quan tâm hỗ trợ Việt Nam ứng phó với BĐKH, trong đó có Nhóm Công tác về BĐKH của các tổ chức Phi chính phủ về BĐKH (CCWG) và Mạng lưới các tổ chức Phi Chính phủ Việt Nam và hoạt động trong lĩnh vực BĐKH tại VN (CCWG) Biến đổi khí hậu (VNGO&CC). Hợp tác với CCWG , VNGO&CC đã đượcvà Cục BĐKH chính thức bắt đầu từ năm 2011. Mới đây nhất, tháng 3/2019, các bên tiếp tục ký ghi nhớ nhằm mở rộng khuôn khổ hợp tác, có hiệu lực ít nhất là trong vòng 5 năm tới.

Ông Phạm Văn Tấn – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại hội thảo

Việc rà soát cập nhật Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam và việc chuẩn bị tham dự cho Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) từ nhiều năm qua đều có sự trao đổi hợp tác giữa cơ quan Chính phủ và các cơ quan, đối tác trong và ngoài nước. Và tiến tớp COP 25 tới đây cũng không là ngoại lệ.

Ông Nguyễn Quang Tin, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường chia sẻ một hợp tác có hiệu quả 4 năm qua trong lĩnh vực nông nghiệp. Đó là Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) đã hợp tác và hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm đẩy mạnh tăng quyền năng kinh tế và vai trò phụ nữ, về giới, nông nghiệp thông minh với biến đổi khí hậu trong chuỗi giá trị nông nghiệp và phát triển các chính sách nông nghiệp, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội bền vững và bình đẳng giới. Thông qua các mô hình, các bài học kinh nghiệm thực tiễn từ các dự án liên quan đã kiến nghị cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các cơ quan quản lý ở các cấp có những biện pháp, giải pháp phù hợp, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nông nghiệp bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tạo cơ hội để người phụ nữ có thể làm chủ trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống người dân nông thôn.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Các tổ chức xã hội dân sự gồm các tổ chức phi chính phủ quốc tế, các tổ chức phi chính phủ địa phương và các tổ chức quần chúng Việt Nam đang hành động để giải quyết biến đổi khí hậu.

“Giờ đây, cả các chủ thể chính phủ và phi chính phủ đều hành động để đảm bảo công bằng cho phụ nữ trong việc giảm thiểu rủi ro cũng như đóng góp việc ứng phó với biến đổi khí hậu”, bà Alison Rusinow, Giám đốc quốc gia Tổ chức Phát triển Hà Lan tại Việt Nam (SNV) bày tỏ.

PV

Các tin khác