Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Ứng phó với BĐKH tại Quảng Nam: Các giải pháp linh hoạt
Ngày đăng: 10/10/2017
Lồng ghép mục tiêu biến đổi khí hậu (BĐKH) vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao năng lực ứng phó từ cộng đồng; trồng và phục hồi rừng ngập mặn... Đó là những phương án mang tính bền vững, lâu dài được Quảng Nam tích cực triển khai để ứng phó với tác động nhiều mặt biến đổi khí hậu.

 
Nhiều diện tích rừng dừa nước đang được phục hồi tại Quảng Nam (nguồn: Báo Quảng Nam)

 *Lồng ghép BĐKH với phát triển kinh tế - xã hội

Theo kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2016-2020 và sau năm 2020, tỉnh Quảng Nam chủ trương lồng ghép các yếu tố ứng phó BĐKH vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Kèm theo đó là danh mục các dự án ưu tiên ứng phó với BĐKH với 6 nhóm dự án công trình và 15 hạng mục dự án phi công trình. Sáu nhóm dự án công trình thuộc giai đoạn 2016-2020 và sau năm 2020 từ nguồn vốn đầu tư phát triển. Trọng tâm là một số nhóm dự án quan trọng như: trồng, phục hồi rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển với 3 hạng mục trồng và bảo vệ rừng phòng hộ kết hợp xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ chống lũ, sạt lở đất tại huyện Nam Trà My (2.500ha rừng trồng mới, 3.200ha nuôi dưỡng, 2.800ha khoanh nuôi tái sinh, mở mới đường lâm sinh 96km).

Hay như Dự án khôi phục và quản lý rừng phòng hộ ven biển giai đoạn 2016-2020, triển khai tại huyện Thăng Bình, Núi Thành và TP.Tam Kỳ; Dự án trồng mới 1.322ha rừng phòng hộ ven biển, trong đó có 120ha rừng ngập mặn, hơn 1.200ha rừng trên cát; Dự án trồng mới 500ha rừng phòng hộ đầu nguồn tại hai huyện Nam Giang và Tây Giang. Dự án nâng cấp kè, đê ngăn mặn kết hợp giao thông các xã vùng đông huyện Núi Thành, đê ngăn mặn trên Sông Đầm (Tam Kỳ), đê ngăn mặn sông Trường Giang, đê ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện…

Với giải pháp phi công trình, chủ trương của tỉnh là tập trung các nhóm giải pháp chính như nâng cao nhận thức cho cộng đồng về BĐKH; hỗ trợ sinh kế bền vững thích ứng với BĐKH tại những vùng bị tác động; tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm giảm thiểu khí Co2 trong đô thị; diễn tập ứng phó, giảm nhẹ thiên tai; nghiên cứu giống cây trồng và con vật nuôi thích ứng với BĐKH; xây dựng kế hoạch hành động của mỗi ngành; xây dựng bể bơi an toàn trong học đường…

UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thỏa thuận Paris về BĐKH giai đoạn 2017-2020, giao Sở TN&MT là cơ quan đầu mối, theo dõi, báo cáo, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch. Việc lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch tăng trưởng xanh của tỉnh và kế hoạch hành động nhằm hướng tới thực hiện có hiệu quả công tác ứng phó với BĐKH, tăng trưởng xanh và giảm phát thải khí nhà kính, chủ động ứng phó với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. So với giai đoạn trước, kế hoạch lần này chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư, cán bộ, viên chức các cấp, doanh nghiệp toàn tỉnh về ứng phó BĐKH…

*Nhân rộng các mô hình sản xuất phù hợp

Ứng phó với hạn hán và nhiễm mặn, ngành nông nghiệp đã lên phương án chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt quan tâm đến việc đưa vào các giống cây chịu hạn, chịu mặn, phù hợp với khí hậu biến đổi phức tạp hiện nay.

Giai đoạn 2010-2015, Quảng Nam triển khai tổng cộng 25 công trình, dự án, mô hình thích ứng với BĐKH, do Chính phủ Đan Mạch tài trợ, kết hợp nguồn vốn của tỉnh, với tổng kinh phí 134 tỷ đồng. Nhiều dự án được đánh giá cao về hiệu quả trong cộng đồng, như công trình nhà đa năng tránh bão lũ của xã Điện Phước (Điện Bàn), xã Bình Đào (Thăng Bình); kè sông xã Duy Vinh (Duy Xuyên); trồng rừng ngập mặn tại Núi Thành, trồng rừng dừa nước Cẩm Thanh…

Một thời, nhiều xã như: Tam Giang, Tam Hải (huyện Núi Thành) hay Cẩm Thanh (thành phố Hội An) đã triệt hạ hàng trăm héc ta rừng ngập mặn ven biển từng là sinh cảnh của nhiều loài sinh vật để triển khai mô hình nuôi tôm. Điều này đã khiến cho diện tích rừng ngập mặn giảm đáng kể, “lá chắn xanh” bị vỡ. Đương nhiên hậu quả là vùng ven biển phải hứng chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai. Từ đó, chính quyền và người dân vùng ven biển quyết tâm nỗ lực thiết lập lại “lá chắn xanh”.

Dự án trồng và phục hồi rừng dừa nước xã Cẩm Thanh (thành phố Hội An) được xem là mô hình thích ứng BĐKH hiệu quả, cần nhân rộng. Đầu năm 2017, tỉnh Quảng Nam quyết định tiếp tục đầu tư một dự án trồng mới và phục hồi rừng dừa nước ven biển Cẩm Thanh có tổng giá trị đầu tư 25,5 tỷ đồng. Đây là tín hiệu tích cực trong việc cải tạo cảnh quan môi trường, giữ lại những mảng xanh cho Cẩm Thanh và tạo vùng đệm cho Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm. Việc phục hồi rừng dừa nước không chỉ tạo ra vành đai xanh  ứng phó với BĐKH mà còn giúp phát triển du lịch sinh thái.

Bên cạnh 25 công trình, mô hình ứng phó rải rác 11/18 huyện, thành phố từ nguồn lực hỗ trợ, trên thực tế, các sở, ngành, địa phương đều lồng ghép mục tiêu ứng phó BĐKH trong các dự án. Sau khi dự án do Đan Mạch tài trợ kết thúc, tỉnh có thêm hai dự án lớn, đó là công trình kè phố cổ Hội An, dự án trồng rừng dừa nước với tổng đầu tư lên tới 500 tỷ đồng.

Hiện Văn phòng Hợp phần thích ứng với BĐKH tỉnh Quang Nam đang tham mưu xây dựng tiến trình cho kế hoạch về thỏa thuận Paris cho UBND tỉnh. Mục tiêu năm 2018 trở đi là triển khai chương trình ứng phó với BĐKH gắn với tăng trưởng xanh.

Bùi Thọ (tổng hợp)

Nguồn: Monre

 

Các tin khác