Luật Lâm nghiệp và Nghị định 156/2018/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành Luật đã quy định, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch phải chi trả tối thiểu 1% doanh thu đối với dịch vụ bảo vệ duy trì vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái rừng cho kinh doanh dịch du lịch. Tương tự, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản cũng chi trả tối thiểu 1% doanh thu cho dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn, con giống tự nhiên, nguồn nước từ rừng và các yếu tố môi trường, hệ sinh thái rừng phục vụ nuôi trồng thủy sản.
Riêng dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các-bon, giảm phát thải khí nhà kính đang trong giai đoạn nghiên cứu thí điểm và dự kiến khoảng 5 – 10 USD/tấn CO2 tương đương.
Về thách thức đặt ra hiện nay, theo bà Trần Thi Thu Hà, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, tại những nơi có hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái dựa vào rừng ngập mặn như Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia Xuân Thuỷ, Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ... chủ rừng trực tiếp kinh doanh nên có thể thu trực tiếp. Nhưng nhiều nơi đang có tình trạng kinh doanh du lịch sinh thái nhỏ lẻ, tự phát, doanh thu không đáng kể hoặc không có cơ sở xác định doanh thu.
Bảo vệ rừng ngập mặn cần đi đối với phát triển diện ích, tăng trữ lượng các-bon rừng
Trong mô hình nuôi trồng thủy sản dựa vào rừng ngập mặn thông thường, đa số chủ rừng trực tiếp NTTS trong diện tích rừng được giao quản lý, sử dụng; số lượng người hưởng lợi lớn trong khi hoạt động NTTS được thực hiện ở quy mô nhỏ lẻ, doanh thu thấp, nhiều rủi ro. Riêng mô hình nuôi tôm sinh thái, quy định chi trả trực tiếp không có lợi cho chủ rừng kiêm người nuôi tôm (do không thể tham gia đàm phán về mức chi trả và hình thức chi trả), chi phí giao dịch cao (do số lượng chủ rừng lớn).
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa có khung pháp lý cho việc thiết lập thị trường các-bon trong lĩnh vực lâm nghiệp nói chung và cho rừng ngập mặn nói riêng; thông tin, dữ liệu về rừng ngập mặn và trữ lượng các-bon của các loại rừng ngập mặn chưa đồng bộ, thống nhất trong khi yêu cầu kỹ thuật trong đo lường, kiểm định phức tạp.
Đây là những vấn đề cần được đưa ra trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định 156, đặc biệt về đối tượng phải chi trả cho dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các-bon nhằm phát huy tối đa nguồn lực mới này trong thời gian tới.
Trung Nguyên