Việt Nam sớm công bố kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP
Trong Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28), ngày 1/12/2023, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực (RMP) thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi công bằng của Việt Nam. Đây được xem là cột mốc quan trọng hướng tới việc thực hiện Tuyên bố chính trị về Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, do Chính phủ Việt Nam và Nhóm Đối tác Quốc tế (IPG) công bố vào tháng 12/2022, tại hội nghị thượng đỉnh EU-ASEAN ở Brussels.
Tại Việt Nam, quỹ JETP có 15,5 tỷ USD, một nửa do các nước tham gia nhóm Đối tác quốc tế cam kết, một nửa đến từ các tổ chức tài chính tư nhân, với điều kiện phải có vốn “mồi” từ Nhóm đối tác quốc tế và hệ thống pháp luật được cải thiện.
Một trong những ưu tiên của JETP là phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo
Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP của Việt Nam đã đưa ra các nhu cầu đầu tư và hỗ trợ của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng. Cụ thể, ưu tiên cải thiện khuôn khổ pháp lý cho chuyển đổi năng lượng; chuyển đổi nhiệt điện than bằng cách giảm các dự án trong quy hoạch, cải tạo/hoán cải các nhà máy điện than hiện có. Nguồn tài chính JETP cũng sẽ tập trung cho phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo như điện gió trên bờ, ngoài khơi và điện mặt trời, sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo, sử dụng đất đa mục tiêu; truyền tải và lưu trữ điện để hỗ trợ triển khai năng lượng tái tạo.
Song song với chuyển đổi ngành điện là cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng trong nhiều ngành, chuyển đổi năng lượng trong ngành giao thông (đặc biệt là áp dụng xe điện); sáng tạo, phát triển và chuyển giao công nghệ; đảm bảo chuyển đổi công bằng thông qua việc đảm bảo quyền tiếp cận năng lượng giá hợp lý cho người dân và đào tạo, nâng cao kỹ năng và tạo ra việc làm mới cho nhân lực trong các ngành năng lượng tái tạo.
* Nhiều tiêu chí để chọn dự án đầu tư
Kế hoạch huy động nguồn lực đặt ra những nguyên tắc chung để lựa chọn các dự án tham gia JETP. Các dự án đó phải đáp ứng 4 mục tiêu: Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, hay tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, đóng góp cho việc đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, cũng như đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; Cung cấp hiệu quả kinh tế, xã hội rõ ràng cho các cộng đồng, doanh nghiệp và/hoặc công nhân bị ảnh hưởng bởi chuyển đổi năng lượng; Có tính xúc tác và khuyến khích đầu tư bổ sung từ JETP trong tương lai; Tác động tích cực rõ rệt lên chuyển đổi năng lượng công bằng.
TS Đào Nhật Đình cho rằng, việc lựa chọn dự án đầu tư cụ thể trong từng loại sẽ được thực hiện thông qua đàm phán giữa các cơ quan quản lý, chủ dự án, các đối tác, các bên liên quan khác, dựa trên việc tuân thủ pháp luật Việt Nam và các tiêu chí được nêu chi tiết. Các dự án hỗ trợ kỹ thuật có các tiêu chí khá “mềm”, trong khi các dự án đầu tư có các tiêu chí rất nghiêm túc tương đương với dự án đầu tư thương mại thông thường cộng với hàng loạt những tiêu chí môi trường, cân bằng giới tính và xã hội.
Đạt được các mục tiêu JETP là một phần trong nỗ lực của Việt Nam hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050
Tất cả các dự án đầu tư đều phải có lãi tài chính, đảm bảo hồ sơ vay được vốn ngân hàng, sử dụng công nghệ tiên tiến. Ví dụ, các dự án Nhóm A - Đẩy mạnh chuyển đổi từ nhiệt điện than sang năng lượng sạch cần đáp ứng hàng loạt tiêu chí như: Hiệu quả chi phí, có lãi tài chính; hồ sơ phải vay được vốn ngân hàng; phát điện (sạch) công suất cao; dịch vụ phụ trợ công suất cao; không tác động làm nghẽn mạch lưới truyền tải; lượng khí nhà kính giảm được hay giảm sử dụng than; tác động môi trường; đẩy mạnh cân bằng giới trong công việc, việc làm và thăng tiến; hiệu quả kinh tế, xã hội cao; thúc đẩy sử dụng đất hiệu quả; sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại và có khả năng nhân rộng kinh nghiệm, bài học.
Trong giai đoạn trước mắt, JETP đã xác định được một số dự án ưu tiên trong lĩnh vực lưới truyền tải, pin lưu trữ, thủy điện tích năng, điện gió ngoài khơi, hiệu quả năng lượng, điện mặt trời, tăng cường độ linh hoạt của nhiệt điện than và chuyển đổi nhiệt điện than.
Nhóm Đối tác quốc tế tạm thời phân bổ 1,22 tỷ USD vốn vay và 259 triệu USD vốn không hoàn lại cho các dự án có triển vọng. Có lẽ, rõ nét nhất trong các dự án đầu tư là dự án Thủy điện Tích năng Bác Ái, vốn đã phát triển và đàm phán vay vốn phát triển quốc tế từ trước khi có JETP. Nay dự án sẽ được coi là được tài trợ từ JETP.
Các dự án nâng cấp hệ thống điện và hạ tầng truyền tải cũng có thể xếp vào loại dễ hình thành và vay vốn. Hệ thống pin lưu trữ BESS 50 MW/50 MWh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và hệ thống lưu trữ nhỏ hơn cho các nhà máy điện mặt trời cũng được liệt kê, nhưng để đáp ứng hết các tiêu chí sẽ là việc khó khăn.
Theo Liên minh châu Âu (EU), với việc công bố kế hoạch RMP, Việt Nam đã tiến thêm một bước nữa hướng tới việc đạt được các mục tiêu JETP đã được thống nhất trong Tuyên bố Chính trị:
● Đẩy sớm thời điểm dự kiến đạt đỉnh của toàn bộ lượng phát thải khí nhà kính ở Việt Nam từ năm 2035 lên năm 2030;
● Đạt mức phát thải đỉnh hàng năm ngành điện là 170 megaton CO2e vào năm 2030;
● Giới hạn công suất phát điện than của Việt Nam ở mức 30,2 GW;
● Đẩy nhanh việc áp dụng năng lượng tái tạo để năng lượng tái tạo chiếm ít nhất 47% sản lượng điện vào năm 2030.
Chính phủ Việt Nam và Nhóm đối tác quốc tế sẽ tiếp tục cùng nhau hợp tác nhằm thực hiện RMP. Các thành viên IPG sẽ hỗ trợ công việc phân tích kỹ thuật để hướng dẫn các hoạt động chính sách và đầu tư trong tương lai nhằm đạt được các tham vọng của JETP. Những nỗ lực tổng hợp này được thiết kế để giúp thúc đẩy các khoản đầu tư bổ sung vào quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam nhằm tạo thuận lợi cho việc đạt được các mục tiêu JETP của Việt Nam.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định: "Việc triển khai Kế hoạch Huy động Nguồn lực là một cột mốc quan trọng trong việc thực hiện JETP, thể hiện sự tiên phong của Việt Nam trong việc mở đường cho một tương lai năng lượng sạch. EU tự hào là một phần của JETP và chúng tôi cam kết hợp tác với Việt Nam để hỗ trợ những cải cách cần thiết nhằm đẩy nhanh đầu tư quan trọng vào năng lượng tái tạo và nền kinh tế xanh”.
Vy Huyền