Đoàn công tác Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh gồm: ông Hoàng Mạnh Hà - Tổng Biên tập Báo Tài nguyên và Môi trường, Chủ nhiệm CLB làm trưởng đoàn; ông Lê Xuân Trung - Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ TP.HCM, Phó Chủ nhiệm thường trực CLB; ông Trịnh Xuân Quảng - Phó Chánh văn phòng Bộ TN&MT, Phó Chủ nhiệm CLB; ông Lê Xuân Dũng - Phó Tổng biên tập Báo Tài nguyên và Môi trường; Lãnh đạo một số Phòng/Tương đương của Báo TN&MT cùng đại diện thành viên Ban Cố vấn, Ban Thư ký của Ban Chủ nhiệm CLB cùng các hội viên, đại diện doanh nghiệp đồng hành phát triển xanh.
Tiếp đoàn có ông Đoàn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk G’Long, ông Khương Thanh Long - Giám đốc Ban Quản lý VQG Tà Đùng… cùng đại diện lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện Đắk G’Long, VQG Tà Đùng và Hạt Kiểm lâm VQG Tà Đùng.
Trước khi đi thực tế tại VQG Tà Đùng, các thành viên trong đoàn đã trao đổi nhanh công việc với lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các cơ quan: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Nông, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Nông, lãnh đạo Hội Nhà báo Đắk Nông; Lãnh đạo Báo Đắk Nông cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành... của tỉnh Đắk Nông.
Toàn cảnh buổi làm việc
Chia sẻ thông tin với các nhà báo, ông Khương Thanh Long - Giám đốc Ban Quản lý VQG Tà Đùng cho biết: VQG Tà Đùng là nơi giao thoa về địa lý và sinh học giữa khu vực Nam Tây Nguyên với Đông Nam bộ, có giá trị quan trọng trong bảo tồn các loài gen đặc hữu và phòng hộ môi trường sinh thái.
Với diện tích 20.937,7 ha và tỷ lệ che phủ rừng tới 85% diện tích vùng lõi VQG (rừng nguyên sinh hơn 48% và hơn 36% rừng thứ sinh các loại), Tà Đùng có các hệ sinh thái đa dạng và sinh cảnh phủ hợp cho sự cư trú, phát triển của nhiều hệ động thực vật.
Trong những năm qua, VQG Tà Đùng đã nỗ lực không ngừng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
Ông Khương Thanh Long - Giám đốc Ban Quản lý VQG Tà Đùng nhận định báo chí, truyền thông có vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng
Trước các nguy cơ như phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác gỗ, khoáng sản, săn bắn, buôn bán động vật trái phép..., VQG Tà Đùng thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng, đôn đốc các tổ nhận khoán bảo vệ rừng; Tổ chức lực lượng chốt chặn, truy quét tại các điểm nóng có nguy cơ cao về cháy rừng, phá rừng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, đơn vị đã thực hiện 628 lượt tuần tra trong VQG với 2.711 lượt người tham gia; Tổ chức 34 cuộc họp tuyên truyền với 2.347 người tham gia, phát hiện và xử lý 01 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp.
“Để có được những thành quả đó phải kể đến sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, các xã thuộc vùng đệm, đặc biệt là công tác tuyên truyền của các cơ quan báo chí tạo sự đồng thuận của người dân địa phương” - ông Khương Thanh Long nhấn mạnh.
Giai đoạn 2021 - 2025, VQG Tà Đùng đã tiến hành khoán bảo vệ rừng cho 153 hộ gia đình. Trong đó, đáng phấn khởi nhất là 100% là các hộ được giao khoán đều là người đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng như người M’Nông, Dao, Tày… ở các xã Đắk Som, Đắk R'Măng, huyện Đắk G’Long (Đắk Nông) và xã Phi Liêng, Dạ K’Nàng, huyện Đam Rông (Lâm Đồng) với diện tích trên 3.000ha.
Ông Lê Xuân Trung - Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ TP.HCM, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh phát biểu tại buổi làm việc
Song song với nguồn thu dịch vụ môi trường rừng, hiện VQG Tà Đùng đang xây dựng đề án phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo khai thác hiệu quả nhưng vẫn đặt vấn đề môi trường lên hàng đầu. Đồng thời phát triển thị trường carbon rừng góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh sẽ là cầu nối hỗ trợ địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân dần từ bỏ thói quen xâm hại rừng, ngày càng tham gia tích cực hơn vào công tác giữ gìn, bảo vệ hệ sinh thái rừng, đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững.
Nhận định VQG Tà Đùng đã có những chính sách tuyên truyền, hỗ trợ người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trong việc bảo vệ môi trường và phát triển rừng tại địa phương, ông Đoàn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk G’Long nhấn mạnh, huyện xác định công tác bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ chính trị. Chính vì vậy, huyện đã chỉ đạo rất sát sao đối với các cán bộ thực hiện công tác này từ địa phương tới cơ sở.
Theo đó, vùng đệm và các đơn vị giáp ranh luôn tích cực phối hợp nhằm góp phần tăng cường tinh thần đoàn kết, đẩy mạnh các hoạt động trong công tác quản lý bảo vệ rừng, đấu tranh ngăn chặn các vụ việc vi phạm lâm luật cũng như các vụ việc vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học; đồng thời, đảm bảo giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Ông Lê Xuân Trung - Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ TP.HCM, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh cho hay: “Việc các nhà báo, phóng viên tác nghiệp tại địa phương trong công tác bảo vệ môi trường và phát triển rừng rất cần sự hỗ trợ của địa phương để hiểu rõ, “người thật việc thật” để ghi nhận, từ đó góp phần làm thay đổi và nâng cao nhận thức của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp để hoàn thành mục tiêu Zero các-bon vào năm 2050 mà chính phủ Việt Nam đã cam kết tại COP26”.
QG Tà Đùng trao quà lưu niện cho Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh
Đoàn công tác của Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh cùng lãnh đạo huyện Đắk G'Long, VQG Tà Đùng và đại diện doanh nghiệp tham quan thực tế tại VQG Tà Đùng
Nhân dịp này, Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh đã trao tặng 15 chiếc ghế đá cho VQG Tà Đùng cùng 100 áo mưa chuyên dụng (loại 140.000 đồng/chiếc) để phục vụ công tác tuần tra rừng cho Hạt Kiểm lâm VQG Tà Đùng.
Trong khuôn khổ chuyến công tác, vào sáng ngày mai (25/9), các thành viên trong đoàn sẽ có buổi làm việc với Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông cùng đại diện một số cơ quan trong tỉnh.
Phạm Hoài - Ngọc Trâm