Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Đồng bằng sông Cửu Long: Canh cánh nỗi lo sạt lở
Ngày đăng: 29/04/2017
Những ngày qua, hình ảnh 14 căn nhà của các hộ dân trên địa bàn ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) bỗng đổ sụp xuống sông trong tích tắc đã khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Tình trạng sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long đã đến lúc báo động và cần cả giải pháp cấp bách và lâu dài.

 
Những căn nhà trên địa bàn ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) bị đổ xuống sông Vàm Nao, ngày 22/4

 *Sông nuốt nhà, ngoạm đất

Tan cửa, nát nhà…là tình cảnh của nhiều hộ dân sống ven sông Tiền sông Hậu, khi sông nuốt nhà, ngoạm đất. Ở huyện Chợ mới, An Giang, 108 hộ dân vừa phải sơ tán khẩn cấp vì nhà có thể đổ ụp xuống sông bất cứ lúc nào.

Sạt lở đã trở thành nỗi ám ảnh, lo sợ của những người dân vùng ĐBSCL, khi họ bị đe dọa đến tình mạng và mất tài sản.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp các tỉnh, thành ĐBSCL, hiện nay trong khu vực có 265 điểm sạt lở bờ sông, tổng chiều dài 450km; diện tích đất bị mất khoảng 500 ha/năm.

Hai tỉnh sạt lở nghiêm trọng nhất hiện nay ở ĐBSCL là An Giang và Đồng Tháp. Bởi theo các chuyên gia, 2 tỉnh này đều nằm ngay đầu nguồn hệ thống sông Cửu Long, đón dòng chảy thượng nguồn về mạnh, áp lực nước lớn. Bên cạnh đó, cũng có tác động của con người, việc khai thác cát không đúng vị trí và không theo quy hoạch đã làm biến đổi dòng chảy. Việc xây dựng nhà cửa quá gần bờ sông cũng làm tăng trọng tải lên bờ sông, gây mất cân bằng, càng dễ khiến bờ sông bị xói lở.

Các chuyên gia cảnh báo, tại An Giang và Đồng Tháp, tần suất sạt lở có thể không liên tục nhưng mức độ sẽ rất nghiêm trọng và gây thiệt hại lớn, nhất là trong mùa mưa sắp tới.

Ông Trần Đặng Đức – Giám đốc Sở TN&MT An Giang cho biết mỗi năm xảy ra khoảng 20 vụ sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh, gây thiệt hại khoảng 100 tỷ. Hiện có tổng số khoảng 51 đoạn bờ sông đã có cảnh báo nguy hiểm sạt lở, chiều dài 62km, chiếm 40% diện tích giáp sông Tiền, sông Hậu của tỉnh An Giang với trên 20.000 hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở.

Nguy hiểm nhất trên địa bàn tỉnh An Giang là đoạn sông Tiền thuộc xã Phú An (huyện Phú Tân), đoạn sông Hậu tại xã Châu Phong (thị xã Tân Châu), đoạn sông Hậu tại xã Bình Mỹ (từ kênh xáng Cây Dương đến phà Năng Gù, Châu Phú) và đoạn sông Hậu thuộc phường Bình Đức, Bình Khánh, Mỹ Bình (TP. Long Xuyên).

Theo ông Trần Đặng Đức có nhiều nguyên nhân gây ra sat lở như biến đổi khí hậu, thay đổi dòng chảy, thời tiết bất thường, quá tải về xây dựng hạ tầng, giao thông và cũng không loại trừ nguyên nhân từ việc khai thác cát trái phép…Mặc dù tỉnh An Giang đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục như quan trắc để có dự báo, cảnh báo kịp thời trước khi có sạt lở xảy ra, cắm mốc cảnh báo, giám sát chặt chẽ việc nạo vét các luồng lạch, hạn chế đầu tư xây dựng các công trình trong khu vực có nguy cơ sạt lở, bố trí kinh phí đầu tư xây dựng công trình kè chống sạt lở…Tuy nhiên, đến nay tỉnh vẫn chưa có giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng sạt lở một cách lâu dài, bền vững.

Dự báo, đến năm 2050, khu vực ĐBSCL có tới khoảng 1 triệu dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sạt lở.

*Đâu là cứu cánh?

Ban bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế địa phương là cách mà Bạc Liêu, An Giang, Đồng Tháp đã quyết định trước tình trạng sạt lở xảy ra.

Chỉ đạo ngay sau khi sạt lở nghiêm trọng bờ sông Vàm Nao thuộc khu vực ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang xảy ra, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tỉnh An Giang tập trung khắc phục sạt lở sông Vàm Nao, sắp xếp chỗ ở tạm thời cho người dân và đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản.

Đồng thời, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, UBND tỉnh An Giang và các cơ quan có liên quan khẩn trương kiểm tra, xác định nguyên nhân, đề ra các giải pháp thực hiện khắc phục sạt lở, bảo đảm an toàn và sớm ổn định đời sống nhân dân trong khu vực.

Ngay sau sự cố sạt lở nghiêm trọng tại An Giang, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã đến thị sát và chỉ đạo các cơ quan trực thuộc Bộ TN&MT phối hợp, hỗ tợ kịp thời về nhân lực, trang thiết bị cho Sở TN&MT tỉnh An Giang để triển khai ngay việc quan trắc, điều tra, khảo sát một cách tổng thể các khu vực có nguy cơ sạt lở cao và nguy hiểm mang tính cấp bách trên địa bàn tỉnh An Giang.

Về lâu dài, Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ TN&MT phải giúp cho tỉnh An Giang tiến hành khảo sát, điều tra, đánh giá một cách tổng thể, bài bản, khoa học tất cả các nguyên nhân sạt lở trên địa bàn An Giang và toàn bộ lưu vực sông Tiền, sông Hậu. Từ đó xác định rõ từng vị trí cụ thể những khu vực xung yếu cần khoanh vùng bảo vệ.

Đồng thời Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng phải tiến hành tổng kiểm tra, rà soát lại toàn bộ công tác quy hoạch mang tính đặc thù của An Giang là vùng thượng nguồn – nơi bảo đảm cung cấp nguồn nước ngọt cho toàn vùng ĐBSCL; đặc biệt sớm nghiên cứu, xem xét điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch sử dụng tài nguyên nước, quy hoạch khai thác sử dụng khoáng sản để ứng phó với BĐKH và sạt lở; đồng thời quy hoạch bố trí các khu tái định cư cho người dân mang tính bền vững, lâu dài.

Góp ý về biện pháp hạn chế sạt lở ở ĐBSCL, PGS-TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) cho rằng: Phải ngừng việc khai thác cát bừa bãi.

Chung quan điểm, ông Tăng Quốc Chính - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NNPTNT) cho rằng: Trước mắt cần chấm dứt ngay nạn “cát tặc”, chặt phá rừng, xây nhà trên các đoạn sông xung yếu… Mặt khác, cần tăng cường trồng rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng chắn sóng, chống mặn ven biển, xây đê chắn sóng, kè hộ bờ… để hạn chế sạt lở xảy ra.

Còn theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, cần tập trung quản lý, nghiên cứu tác động của việc phát triển kinh tế - xã hội ven bờ, sinh kế của người dân hài hòa với tự nhiên và khôi phục vùng sạt lở, phát triển rừng ngập mặn.

T.Bình

Nguồn: Monre
Các tin khác