Tin tức / Tin hoạt động
Nhiều ý kiến đóng góp cho Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP
Ngày đăng: 09/05/2024
Ngày 9/5, tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Biến đổi khí hậu đã tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ và dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ quản lý chuyên ngành, các cơ quan liên quan, các Hội, hiệp hội, doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan.

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu và ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu chủ trì hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết: Triển khai quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, ngày 07/01/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Đến nay, nội dung Nghị định vẫn còn nguyên giá trị và vẫn đang được thực hiện. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, tình hình phát triển thị trường các-bon và nhu cầu trao đổi tín chỉ các-bon trên thế giới diễn ra rất nhanh chóng, trong khi Việt Nam còn thiếu cơ sở pháp lý để sớm đưa thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon đi vào vận hành.

Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường phát biểu khai mạc Hội thảo tham vấn

Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, bối cảnh quốc tế và trong nước đã đặt ra những yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung một số điều để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP. Việc sửa đổi này cũng đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo ông Tăng Thế Cường, dự thảo Nghị định và dự thảo Thông tư đã được xây dựng, điều chỉnh một số quy định hiện hành và bổ sung một số quy định mới nhằm tạo điều kiện thuân lợi cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các chính sách về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường các-bon, bảo vệ tầng ô-dôn.

Đại diện ban soạn thảo trình bày các nội dung dự thảo

Dự thảo Nghị định tập trung vào 5 nhóm vấn đề: Quy định về tăng cường công tác kiểm kê khí nhà kính, phục vụ phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính để chuẩn bị cho thị trường các-bon; Quy định phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính; Quy định chi tiết về tổ chức thị trường các-bon, quản lý tín chỉ các-bon trong nước, trao đổi hạn ngạch và tín chỉ các-bon trên sàn giao dịch các-bon trong nước; Quy định về trao đổi tín chỉ các-bon quốc tế theo quy định của Thỏa thuận Paris; cuối cùng là một số quy định về bảo vệ tầng ô-dôn.

Bộ TN&MT đã đăng tải toàn văn dự thảo Nghị định trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi. Bộ cũng đã gửi công văn lấy ý kiến các cơ quan, ban, ngành. Hội thảo hôm nay chỉ là mở đầu và sẽ còn nhiều buổi tham vấn, lấy ý kiến các bên trong thời gian tới. “Để Nghị định, Thông tư được ban hành đi vào cuộc sống có tính khả thi theo yêu cầu thực tiễn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp, tôi mong muốn các đại biểu đóng góp ý kiến với tinh thần cởi mở, thẳn thắng nhằm giúp cơ quan soạn thảo hoàn thiện các nội dung dự thảo Nghị định và Thông tư” - ông Tăng Thế Cường nhấn mạnh.

 

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam góp ý tại Hội thảo

Sau khi nghe đại diện cơ quan soạn thảo trình bày về nội dung dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, các đại biểu tham dự hội thảo đã góp ý cho văn bản dự thảo. Trong đó, tập trung vào tính khả thi của các nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung; những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các quy định; trách nhiệm cũng như sự phối hợp của các Bộ, địa phương, doanh nghiệp trong việc thực hiện các nội dung được nêu trong dự thảo Nghị định.

Trên tinh thần xây dựng dự thảo bám sát các yêu cầu thực tiễn và có tính khả thi cao, cơ quan soạn thảo dành toàn bộ thời gian góp ý để lắng nghe ý kiến từ đại diện các hội, hiệp hội, doanh nghiệp và Sở TN&MT địa phương.

Theo ông Phạm Văn Hùng, Ban Pháp Chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay có nhiều doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài quan tấm đến việc kiểm kê khí nhà kính và triển khai thị trường các-bon. Nhưng các doanh nghiệp trong nước, phần lớn là doanh nghiệp nhở và vừa vẫn chưa có nhiều hiểu biết về lĩnh vực này. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cũng cần lưu đến đến đối tượng doanh nghiệp nội địa xem liệu họ có thể đáp ứng kịp các quy định theo đúng lộ trình đề ra trong các quy định mới hay không. Về phân bổ hạn ngạch phát thải, đại diện VCCI đề nghị cần làm rõ hơn quy định về cách thức phân bổ, đặc biệt trong việc lựa chọn hệ số phát thải hay phương pháp tính toán nào...

Một vấn đề khác về quy trình cấp phép cho đơn vị thẩm định kết quả kiểm kê phát thải khí nhà kính. Quy định về điều kiện đăng ký kinh doanh đối với các tổ chức này có thể có vướng mắc với Luật Đầu tư vì trong Luật chưa công nhận phạm trù giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, ứng phó biến đổi khí hậu là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Đại diện Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam góp ý tại Hội thảo

Liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ cho đơn vị thẩm định, đại diện Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng cần thêm ý kiến về giấy phép hoạt động khoa học trong lĩnh vực nào sẽ do đơn vị nào sẽ cấp giấy phép. Bên cạnh đó, cơ sở không được phân bổ hạn ngạch thì cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện việc thẩm định. Còn cơ sở được phân bổ hạn ngạch lại do cơ sở thẩm định độc lập chịu trách nhiệm thẩm định. Do đó, cần làm rõ thêm phạm trù các cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính có phải cơ sở nằm trong Quyết định 01 về danh mục các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính hay không.

Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Trần Anh Tuấn thuộc Ban Khoa học công nghệ và môi trường của Tập đoàn băn khoăn việc đảm bảo số liệu phát thải làm căn cứ tính toán, phân bổ hạn ngạch. Hiện nay, vẫn còn nhiều cơ sở nhiệt điện chữ hiểu rõ về công tác kiểm kê cũng như biện pháp giảm nhẹ sau này. Đối với quy định về vay mượn hạn ngạch phát thải, trong bối cảnh nhu cầu điện quốc gia ngày càng tăng, trường hợp nhà máy nhiệt điện vận hành vượt quá mức bình thường theo đề xuất của nhà sản xuất thì dẫn đến phát thải CO2 lớn hơn. Đại diện EVN kiến nghị có thể có cơ chế tạo thuận lợi cho phía nhiệt điện và EVN đảm bảo nhiệm vụ cung ứng điện, ví dụ trong mùa khô các năm tới....

PGS Nguyễn Việt Dũng, đại diện Hội Khoa học kỹ thuật Lạnh và Điều hòa không khí Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Cũng chung mối lo về kiểm kê khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng, đại diện Hội Khoa học kỹ thuật Lạnh và Điều hòa không khí Việt Nam, PGS Nguyễn Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng trường cơ khí Đại học Bách Khoa cho rằng đội ngũ nhân lực của cơ quan thẩm định, bên thứ 3 kiểm kê khí nhà kính còn mỏng, hiểu biết về kiểm kê khí nhà kính ccòn rất hạn chế. Việc đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết cũng khó khăn. Đây là rào cản cho việc thực thi Nghị định 06 sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.

Ông Dũng cũng bày tỏ ủng hộ Nghị định này. Các quy định mới sẽ giúp đẩy nhanh quá trình xây dựng thị trường các-bon, giảm phát thái, bổ sung nguồn lực chuyển đổi công nghệ theo hướng xanh, giảm phát thải.

Về lĩnh vực lạnh, điều hóa khí, lượng môi chất lạnh hiện đang sử dụng rất lớn và sẽ còn tăng mạnh trong những năm tiếp theo. Quy thị trường ở Việt Nam đứng đầu ASEAN rồi, trong khi chủ yếu phát triển thiết bị nhỏ lẻ, dân dụng chứ còn ít thiết bị lớn. Lĩnh vực lạnh công nghiệp và điều hòa công nghiệp có thể tăng trưởng bùng nổ trong thời gian tới, đồng nghĩa với tiêu tốn cực kỳ nhiều điện và môi chất lạnh. Dự thảo Nghị định mới đã đẩy mạnh thu gom và tái sử dụng môi chất. Làm sao để thay đổi, cần thay đổi tiêu chuẩn để chất thải không phải chất thải nguy hại.

Bà Lê Thị Mai Hoa, đại diện Sở TN&MT Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương và được giao nhiệm vụ thẩm định, bà Lê Thị Mai Hoa, đại diện Sở TN&MT Hà Nội mong muốn Nghị định mới sẽ hướng dẫn rõ hơn về các nội dung thẩm định, quy trình và việc hoạt động, cơ chế hoạt động của Hội đồng thẩm định, sử dụng ngân sách nhà nước hay tích hợp vào phí, lệ phí... Việc xây dựng thủ tục hành chính cho việc thẩm định cũng cần có thêm hướng dẫn cụ thể và căn cứ, cơ sở triển khai trong thực tiễn.

Đối với địa phương, đây là lĩnh vực mới và khó, lực lượng cán bộ mỏng. Nên chăng cần có lộ trình cho công tác thẩm định đối với các cơ quan quản lý nhà nước ở cấp địa phương mang tính chất là kiểm tra, rà soát, tổng hợp lại với cái trường hợp không phân bổ hạn. Sau đó dần dần sẽ triển khai bài bản hơn khi có đầy đủ, đồng bộ các quy định. Bên cạnh đó, cần có quy định về trách nhiệm của đơn vị thẩm định nếu kết quả thẩm định không đảm bảo các yêu cầu cần thiết.

Sở TN&MT địa phương mong được hỗ trợ, hướng dẫn, đào tạo nghiệp vụ chuyên môn về các nội dung này để có thể hướng dẫn các Sở, ngành khác trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng và trao đổi với các sở, ngành khác nói chung để làm sao mà làm tốt cái công tác này.

Quang cảnh hội thảo

Theo Cục trưởng Tăng Thế Cường, kết quả tham vấn sẽ giúp hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị định, Thông tư đảm bảo chất lượng và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Bên cạnh đó, ông Tăng Thế Cường cũng cảm ơn của các Bộ, ngành, tổ chức, đơn vị, các chuyên gia đã thường xuyên phối hợp, hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường trong hoạt động xây dựng và thực hiện các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung cũng như phối hợp, hỗ trợ xây dựng dự thảo Nghị định, dự thảo Thông tư.

Khánh Ly

Các tin khác