Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
2016, Nghệ An thiệt hại hơn 1.600 tỷ đồng do thiên tai gây ra
Ngày đăng: 14/03/2017
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017, do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức ngày 9/3.

 Theo đó, trong năm 2016, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra nhiều đợt thiên tai như rét đậm, rét hại, nắng nóng kéo dài, lốc giông sét gây thiệt hại đến sản xuất và đời sống của người dân. Đặc biệt, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chịu ảnh hưởng của 2 cơn bão số 3 và số 4 gây ra mưa to đến rất to, dẫn đến một đợt lũ lớn ở thượng nguồn sông Hiếu và sông Cả nên đã xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương, gây ngập úng nhiều nơi ở vùng thấp trên địa bàn tỉnh. 

 Trong năm qua, các đợt thiên tai trên địa bàn tỉnh đã làm 15 người chết, 15 người bị thương; làm sập, cuốn trôi, hư hỏng trên 10.000 ngôi nhà, thiệt hại trên 62.500 ha diện tích sản xuất nông nghiệp, thủy sản; làm chết trên 100.000 con gia súc, gia cầm, gây hư hỏng nhiều công trình thủy lợi, giao thông nông thôn, đê kè, trường học, nước sinh hoạt và hạ tầng thiết yếu khác. Tổng ước tính thiệt hại về kinh tế trên 1.600 tỷ đồng.

 Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, tình hình thời tiết, thiên tai vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường. Nhiệt độ trong năm 2017 tiếp tục có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm. Mùa mưa đến muộn nhưng lượng mưa cũng xấp xỉ hoặc cao hơn so với trung bình nhiều năm. Bão xuất hiện sớm và nhiều hơn. Lũ quét, sạt lở đất xảy ra nhiều hơn so với năm 2016.

Trước tình hình này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường yêu cầu lớn nhất trong công tác PCTT&TKCN là phải giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp coi nhiệm vụ PCTT&TKCN là nhiệm vụ thường xuyên và phải chủ động nắm bắt kịp thời những thông tin liên quan đến thiên tai để đề xuất phương án, giải pháp cụ thể. Việc triển khai thực hiện công tác PCTT&TKCN phải thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, không chỉ đối phó khi thiên tai xảy ra mà còn chuẩn bị tình huống hàng ngày. Tăng cường công tác tuyên truyền về tình hình thời tiết. Công tác thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai phải kịp thời, chính xác để phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy, điều hành triển khai của các ngành, các cấp ứng phó kịp thời và đảm bảo cho người dân chủ động trong phòng tránh.

PV

Nguồn: Monre

Các tin khác