Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Ba đề xuất của Việt Nam tại COP 22
Ngày đăng: 18/11/2016
Tại phiên họp cấp cao của Hội nghị lần thứ 22 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP22) diễn ra tại Marrakech, Ma-rốc ngày 17 tháng 11 năm 2016, Trưởng đoàn cấp cao của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã có bài phát biểu quan trọng thể hiện quan điểm của Việt Nam về một số vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

 
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu tại phiên cấp cao

Trong phát biểu này, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh rằng, tất cả các Bên tham gia Thỏa thuận Paris đều phải nỗ lực triển khai các cam kết nêu trong Thỏa thuận này.

Đối với Việt Nam, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã trình bày 3 đề xuất quan trọng trước toàn bộ các quốc gia tham gia COP 22.

Thứ nhất, các hành động cụ thể tăng cường thực hiện các cam kết sau năm 2020 cần phải tiếp tục được các Bên làm rõ trong bối cảnh Thỏa thuận Paris để thúc đẩy việc triển khai Công ước. Các nội dung của Thỏa thuận, bao gồm giảm nhẹ, thích ứng, xây dựng và chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực phải được xem xét đầy đủ, cân bằng.

 Thứ hai, tính chất tự quyết trong đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDCs) cần được tôn trọng bằng cách cung cấp các hướng dẫn và phương tiện thực hiện thể hiện rõ nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có phân biệt và phụ thuộc vào hoàn cảnh và năng lực cụ thể của các quốc gia đang phát triển.

Thứ ba, Chúng ta cần cân bằng giữa nỗ lực giảm nhẹ trước và sau 2020 để đảm bảo không có khoảng trống trong nỗ lực toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Tôi khẳng định chắc chắn rằng Việt Nam sẽ nỗ lực cao nhất cùng cộng đồng thế giới để triển khai hiệu quả Thỏa thuận Paris. Chỉ bằng những hành động cụ thể chúng ta mới cứu được Trái đất”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân một lần nữa khẳng định cam kết của Việt Nam trong cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đoàn Việt Nam tại phiên họp cấp cao

Nhận thức được tầm quan trọng của việc triển khai Thỏa thuận Paris, Việt Nam đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động nhằm thực hiện các đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030. Trong đó, bao gồm việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính 8% so với kịch bản phát thải thông thường bằng nguồn lực trong nước và sẽ tăng lên 25% nếu có sự hỗ trợ đầy đủ của cộng đồng quốc tế. 

Chu Thanh Hương (từ Ma-rốc)

Nguồn: Monre
Các tin khác