Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Đánh giá xu thế biến đổi khí hậu trên khu vực Tây Nguyên
Ngày đăng: 24/09/2016
"Nghiên cứu điều kiện khí hậu nông nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và phòng tránh thiên tai vùng Tây Nguyên" (TN3/T25) là đề tài nghiên cứu do Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu thực hiện từ năm 2013.

 

 
Biến đổi khí hậu có liên quan đến khô hạn ở Tây Nguyên trong thời gian gần đây

Theo TS. Hoàng Đức Cường, Chủ nhiệm đề tài, nghiên cứu này nhằm xác định mức độ và xu thế biến đổi của nhiệt độ trung bình, lượng mưa và các chỉ số cực đoan khí hậu vùng Tây Nguyên. Kết quả nghiên cứu này dựa trên số liệu của các trạm tiêu biểu cho 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên bao gồm: Kon Tum (tỉnh Kon Tum), Playku, Ayunpa (Gia Lai), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Đắk Nông (Đắk Nông) và Bảo Lộc (Lâm Đồng). Thời gian của chuỗi số liệu từ 1961-2010.

Qua nghiên cứu, nhóm nhận thấy nhiệt độ trung bình mùa khô, mùa mưa và cả năm ở Tây Nguyên đều có xu thế tăng. Nhiệt độ trung bình mùa khô tăng nhanh hơn nhiệt độ trung bình mùa mưa và cả năm.

Trong 50 năm khảo sát, lượng mưa mùa khô, mùa mưa và lượng mưa cả năm đều có xu thế tăng. Lượng mưa mùa khô tăng ít hơn lượng mưa mùa mưa và ít hơn nhiều so với lượng mưa cả năm.

Số ngày và đêm nóng có xu hướng tăng rõ rệt. Cụ thể số ngày nóng tăng rõ rệt ở hầu hết các trạm, với mức độ tăng khoảng từ 1 đến 2 ngày/10 năm. Duy nhất chỉ có xu thế giảm tại trạm Bảo Lộc, với mức độ giảm khoảng 2,63 ngày/10 năm. Số đêm nóng cũng có xu hướng tăng đáng kể trên tất cả các trạm tính toán, với mức độ tăng phổ biến từ 1 đến trên 7 ngày/10 năm.

Xu thế biến đổi lượng mưa cực đại trong 1 ngày và và trong 5 ngày liên tiếp (Rx5day) tăng trên hầu hết các trạm và chỉ giảm ở 3 trạm (Đà Lạt, Ayunpa và Đắk Nông). Mức độ tăng nhanh nhất của lượng mưa cực đại trong 1 ngày được ghi nhận là 12,7 mm/10năm (tại Buôn Ma Thuột). Đối với mưa lớn và mưa rất lớn, kết quả tính toán cũng cho thấy xu hướng tăng trên hầu hết các trạm.

Số ngày khô hạn tăng ở một số nơi như Ayunpa, Buôn Ma Thuột, Bảo Lộc, trong khi đó lại giảm ở những nơi khác. Số ngày ẩm ướt có xu thế giảm trên đa số các trạm. Diễn biến nêu trên lý giải về sự gia tăng của tình trạng khô hạn ở Tây Nguyên trong thời gian gần đây.

Các kết quả nghiên cứu trên cho thấy nhiệt độ trung bình và lượng mưa trong mùa khô, mùa mưa và cả năm ở Tây Nguyên đều có xu thế tăng. Tốc độ tăng của nhiệt độ trong mùa khô cao hơn so với trong mùa mưa và cả năm. Ngược lại, tốc độ tăng của lượng mưa trong mùa khô lại thấp hơn nhiều so với trong mùa mưa và cả năm.

Hải Đăng

Nguồn: Monre
Các tin khác