Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Ứng phó với biến đổi khí hậu: Cần hợp tác liên vùng để ứng phó với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Hồng
Ngày đăng: 09/06/2014
Cần thiết phải có hợp tác liên tỉnh, liên vùng trong chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), trong bối cảnh những ảnh hưởng của BĐKH và nước biển dâng đang ngày càng trở nên khắc nghiệt, làm trầm trọng thêm tính dễ bị tổn thương và tác động tiêu cực điến phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Hồng. Đây là cam kết của các bên liên quan trong Tuyên bố chung được đưa ra tại Diễn đàn "Đồng bằng sông Hồng" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND tỉnh Nam Định và Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước liên tỉnh ven biển Đồng bằng châu thổ sông Hồng phối hợp tổ chức tại Nam Định trong hai ngày 6-7/6, với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

   Tại diễn đàn, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, cán bộ quản lý từ các bộ, ngành Trung ương và các tổ chức quốc tế như USAID, Ngân hàng Thế giới, Bộ Ngoại giao và Thương mại Ôxtrâyia, các tổ chức NGO, đại diên các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Hồng (gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình) đã chia sẻ các kết quả nghiên cứu và minh chứng về tính dễ bị tổn thương của khu vực, khoảng trống giữa nghiên cứu với sự quan tâm thực tế và những thách thức trong thực hiện các ưu tiên nghiên cứu về giải pháp cấp vùng nhằm ứng phó với BĐKH.  

Trước ảnh hưởng của BĐKH và nước biển dâng đang làm trầm trọng thêm tính dễ bị tổn thương và tác động tiêu cực điến phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Hồng, các đại biểu tham dự diễn đàn nhấn mạnh tính cấp thiết phải liên kết và lồng ghép giữa các hoạt động nghiên cứu khoa học, xây dựng chính sách, tạo lập cơ chế và huy động tài chính cho nỗ lực ứng phó với BĐKH của vùng.   

Bên cạnh đó, tại diễn đàn, với mục tiêu giúp đẩy mạnh các hoạt động thích ứng với BĐKH mang tính nhất quán cho toàn bộ khu vực Đồng bằng sông Hồng, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động trong lĩnh vực BĐKH, các nhà tài trợ quốc tế cũng như đại diện các bộ, ngành Trung ương đã chia sẻ những thông tin hiện có về mức độ dễ bị tổn thương do BĐKH tại Đồng bằng sông Hồng; thảo luận về các chính sách và những nỗ lực đang được thực hiện để giải quyết những tác động được dự báo do biến đổi khí hậu gây ra và đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng khả năng chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu cho Đồng bằng sông Hồng.

Đặc biệt, tại diễn đàn, Giám đốc USAID Việt Nam Joakim Parker cho biết: "USAID cam kết giúp đảm bảo rằng đồng bằng sông Hồng với vị thế quan trọng sẽ nhận được sự quan tâm không thua kém so với đồng bằng sông Cửu Long. Việc phân tích và giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu cho toàn bộ hệ thống Đồng bằng sông Hồng có ý nghĩa quan trọng với sức khỏe và sự thịnh vượng của một vùng dân cư rộng lớn của khu vực này.

Đồng bằng sông Hồng là một trong hai châu thổ của Việt Nam chịu tác động nặng nề của BĐKH, với nông dân, người nghèo là những nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương. Các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Hồng là các tỉnh dễ bị tổn thương nhất do tác động của BĐKH và nước biển dâng, vì sinh kế của phần lớn người dân trong khu vực phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp.

Diễn đàn là một phần trong Chương trình Rừng và đồng bằng Việt Nam do USAID tài trợ. Dự án này kéo dài 5 năm với các mục tiêu giúp tăng cường khả năng chống chịu tác động của BĐKH cho người dân, các khu vực và sinh kế, đồng thời hỗ trợ Việt Nam giảm phát thải trong lĩnh vực lâm nghiệp và nông nghiệp. 

Nguyễn Trường

Nguồn : monre

Các tin khác