Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long
Ngày đăng: 28/05/2014
Ngày 27/5, tại Cần Thơ, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức Hội thảo khởi động dự án "Phương thức quy hoạch tổng hợp nhằm thực hiện kế hoạch chiến lược về Công ước quốc tế về đa dạng sinh học và tăng cường sức chống chịu của hệ sinh thái với biến đổi khí hậu". Tham gia hội thảo có các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam, lãnh đạo một số tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

  Dự án "Phương thức quy hoạch tổng hợp nhằm thực hiện kế hoạch chiến lược về Công ước quốc tế về đa dạng sinh học và tăng cường sức chống chịu của hệ sinh thái với biến đổi khí hậu" do Bộ Môi trường, bảo tồn thiên nhiên và an toàn hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ cho 4 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng nguồn vốn trên 3 triệu euro, trong đó nguồn tài trợ cho Việt Nam khoảng 600.000 euro với thời gian thực hiện là 5 năm (từ 1/2014 đến 4/2018). Đối tác thực hiện tại Việt Nam là IUCN Việt Nam, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và Trường Đại học Cần Thơ.  

  Mục tiêu cụ thể của dự án cho Việt Nam là: Tăng cường sức chống chịu của đồng bằng sông Cửu Long thông qua việc khôi phục trữ lượng nước lũ và chức năng điều hòa lũ của vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên; các hệ sinh thái tự nhiên ở vùng ven biển có khả năng cung cấp các dịch vụ sinh thái nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản thích hợp với môi trường nước mặn. Các chỉ tiêu đánh giá bao gồm: Thay đổi về chính sách không mở rộng thêm diện tích trồng lúa vụ 3 và xây đê bao khép kín dẫn đến diện tích lúa vụ 3 ở vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên không mở rộng thêm để tăng khả năng trữ lũ ở 2 vùng này; thay đổi về chính sách hướng đến các giải pháp mềm cho vùng ven biển tạo ra sự đa dạng sinh thái cho các hợp phần trong hệ sinh thái ven biển cũng như đóng góp nhiều giá trị sinh kế hơn cho cộng đồng địa phương.

  Tại hội thảo, nhiều nhà khoa học đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến về mục tiêu, chiến lược và hoạt động của dự án. Hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long không nên sản xuất nhiều diện tích lúa vụ 3 như hiện nay vì đã qua nhiều năm sản xuất 3 vụ/năm nhưng nông dân vẫn không giàu lên được trong khi môi trường sinh thái, nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt do sử dụng quá nhiều lượng nước, phân bón, thuốc trừ sâu... Do đó, cần phải thay đổi phương thức sản xuất sao cho giảm về sản lượng, nâng cao chất lượng và giá trị lúa gạo hoặc giảm diện tích đất lúa để thay vào những loại giống cây con khác phù hợp với điều kiện thiên nhiên tại đây, góp phần làm cân bằng sinh thái, giảm sự tác động vào tự nhiên... Các nhà khoa học cũng đề nghị các địa phương, các cơ quan chức năng khi đưa ra kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long cần lưu ý vấn đề đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời các địa phương cần nghiên cứu thống nhất dựa theo quy hoạch tổng thể chung của toàn vùng.

  Kết luận hội thảo, ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, thành viên Ban Cố vấn dự án cho biết: Với mục tiêu của dự án là nhằm tăng cường sự chống chịu của đồng bằng sông Cửu Long thông qua khôi phục khả năng trữ lũ và chức năng điều hòa lũ của vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, khôi phục hệ sinh thái tự nhiên tại các vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long, tin tưởng rằng dự án khi thực hiện sẽ góp phần đem lại sự ổn định và phát triển bền vững của khu vực châu thổ sông Mê Kông nói chung, vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên nói riêng ngày một phát triển, góp phần ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra hết sức phức tạp tại Việt Nam.

 

Ngọc Thiện 

Nguồn: Monre.gov.vn

Các tin khác