Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Phú Thọ: Ứng phó với biến đổi khí hậu trong nông nghiệp
Ngày đăng: 19/05/2014
Theo các số liệu của ngành khí tượng thủy văn, Phú Thọ cũng bị nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh hạn hán bất thường liên tục xảy ra, lũ lụt không theo quy luật, đặc biệt nhiệt độ không khí ngày càng tăng cao. Chỉ tính từ năm 2001 đến nay, tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp của 25 cơn bão, 2 áp thấp, trên 85 trận lốc xoáy, mưa đá, mưa lớn cục bộ, 19 trận lũ quét với cường độ cao...

Đứng trước các dự báo của biến đổi khí hậu có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2015, tầm nhìn 2020 và thành lập Ban chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ triển khai xây dựng 66 danh mục nhiệm vụ dự án cụ thể nhằm chủ động ứng phó biến đổi khí hậu với tổng kinh phí 548 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn 2012-2015, tỉnh sẽ dành khoảng 179 tỷ đồng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu.

Ngành nông nghiệp - một trong những ngành chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, tập trung nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật và phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; phát triển và sản xuất mới các loại giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản thích ứng diễn biến thời tiết và tình hình dịch bệnh. Ngành nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác mới phù hợp và sản xuất theo hướng bền vững tránh hủy hoại, ô nhiễm môi trường; phổ biến, tạo nhận thức sâu rộng cho cán bộ kỹ thuật các địa phương và nông dân trong quá trình chọn tạo và áp dụng giống cây trồng, vật nuôi vào sản xuất.

Ngành nông nghiệp tỉnh cũng chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng bảo vệ sản xuất; tập trung triển khai xây dựng, nâng cấp vững chắc các tuyến đê, công tác thuỷ lợi. Đồng thời đề xuất các phương án chủ động thích hợp ngăn ngừa để có hướng quy hoạch, nạo vét hệ thống kênh mương, xây dựng mô hình kiểm soát lũ, điều tiết nước ở các địa phương kết hợp bố trí dân cư nông thôn; củng cố và nâng cấp hệ thống cống, trạm bơm điện bảo đảm vững chắc bơm tưới, tiêu phục vụ kịp thời và có hiệu quả cho sản xuất.    

Chỉ tính riêng từ năm 2006 đến nay, tỉnh đã đầu tư hơn 550 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp 21/40 công trình thuỷ lợi; kiên cố hoá trên 195km kênh mương nội đồng. Các công trình, dự án đầu tư đã phát huy hiệu quả khai thác đa mục tiêu như: Thuỷ lợi kết hợp với giao thông, cấp nước phục vụ sản xuất, nước sinh hoạt và phục vụ nuôi trồng thuỷ sản, phòng chống xô lũ, giảm nhẹ thiên tai và chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống nhân dân...

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, ngành thực hiện mục tiêu bảo vệ diện tích rừng hiện có, mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng rừng, tăng bể chứa và bể hấp thụ, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Ngành tập trung giao khoán rừng, xây dựng mô hình quản lý rừng có hiệu quả; bảo vệ khoanh nuôi, tái sinh rừng hiện có, bảo vệ tốt vườn Quốc gia, tập trung trồng rừng tăng độ che phủ bằng cách trồng rừng tập trung và phân tán, trước hết là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc bằng rừng. Đây được xem là giải pháp ưu tiên, lâu dài và hiệu quả nhằm ứng phó với hạn hán, hoang mạc hóa và thiếu nước ngày càng nghiêm trọng, do tác động của biến đổi khí hậu tại địa phương.

Trong lĩnh vực thủy sản, ngành chú trọng phát triển theo hướng bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển những giống, loài cá có khả năng chống chịu với biến đổi môi trường; giống thủy sản có giá trị cao, thích nghi với nhiệt độ tăng; tăng độ sâu của ao hồ để tạo nhiệt độ thích hợp và giảm tổn hại do quá trình tăng nhiệt độ và bốc hơi nhanh của mặt nước. Bên cạnh đó, phát triển năng lực nhân giống thủy sản, đa dạng đối tượng nuôi và nuôi cá thương phẩm.

Lâm Đào An

Nguồn: Monre

Các tin khác