Tin tức / Tin Dự án - Hợp tác quốc tế
Huy động tài chính cho thực hiện JETP
Ngày đăng: 30/01/2024
Kế hoạch huy động nguồn lực (RMP) thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của Việt Nam đã đưa ra bức tranh tổng thể về các khoản huy động từ khoản cam kết tài chính 15,5 tỷ USD. Trong giai đoạn 2024 – 2028, nguồn tài chính quốc tế này sẽ tập trung vào những ưu tiên theo RMP và sẽ được cập nhật, bổ sung và giải ngân theo tiến độ thực hiện cam kết của các đối tác.

Phân bổ nguồn lực JETP

Theo Tuyên bố JETP, Nhóm các đối tác quốc tế (IPG - bao gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Ý, Canada, Đan Mạch, Na Uy) cam kết khoản tài chính 7,75 tỷ USD, bao gồm tổng các khoản tài trợ, vốn vay, góp vốn chủ sở hữu và khoản vay có bảo lãnh với các điều kiện hấp dẫn hơn so với thị trường. Mục đích khoản vay nhằm tài trợ cho các dự án đáp ứng điều kiện JETP.

Bên cạnh đó, Nhóm công tác Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (GFANZ) đã cam kết huy động ít nhất 7,75 tỷ USD tài chính tư nhân, tùy thuộc vào khoản vốn xúc tác từ khu vực công của các thành viên IPG và tình trạng cải thiện khung pháp lý tại Việt Nam. Các khoản vay sẽ được cung cấp theo lãi suất thị trường, nhưng các điều kiện cụ thể sẽ được xem xét theo thực tiễn của người cho vay trên cơ sở dự án.

Việc sử dụng nguồn tài chính quốc tế công được cho là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, khi Việt Nam đã nằm trong nhóm nước có thu nhập trung bình. Điều này đồng nghĩa với việc vay thương mại tiến tới tuân thủ theo điều kiện thị trường, khiến cho tỷ lệ lãi suất nợ công (phần quốc tế) ở Việt Nam đã tăng lên. Các nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trở nên kém ưu đãi hơn so với các nguồn vốn vay từ Hiệp hội phát triển quốc tế thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới (IDA) và Quỹ Phát triển Châu Á (ADF), mặc dù vẫn thấp hơn chi phí vay vốn của thị trường vốn ngoại tệ. Đồng thời, áp lực huy động các khoản vay từ các nhà đầu tư trong nước ngày càng tăng. Trong bối cảnh đó, các khoản vay từ JETP sẽ được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy nguồn lực từ khu vực tư nhân trong nước và quốc tế để thực hiện các cam kết về chuyển đổi năng lượng.

Trên cơ sở Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố JETP do Chính phủ Việt Nam công bố, nguồn tài chính quốc tế tư khu vực công và tư nhân trên sẽ huy động chủ yếu trong giai đoạn 2024 – 2028, với những ưu tiên cũng như thách thức khác nhau trong quá trình chuyển đổi chuyển đổi năng lượng.

Chất “xúc tác”  thu hẹp khoảng cách nhu cầu tài chính

Khoản 15,5 tỷ USD mà IPG và GFANZ cam kết chỉ là phần nhỏ so với nhu cầu tài chính của quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam (bao gồm các biện pháp được đề xuất trong ngành năng lượng, một phần của "mục tiêu có điều kiện" trong NDC mà Việt Nam dự kiến sẽ đạt được với sự hỗ trợ quốc tế, cũng như các khía cạnh chuyển đổi năng lượng của Quy hoạch điện 8). Do đó, nguồn tài chính từ JETP nên được coi là đợt tài trợ đầu tiên để thúc đẩy Việt Nam hướng nhanh hơn tới việc đạt được các mục tiêu có điều kiện và có thể thu hẹp khoảng cách tài chính.

Một đặc điểm then chốt của khoản hỗ trợ tài chính công của là phải mang tính chất xúc tác, thúc đẩy huy động tài chính nhiều hơn cho quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, đặc biệt là từ khu vực tư nhân. Các tổ chức tài chính công có liên quan đến IPG đã xác định các cam kết tài chính công nào sẽ được sử dụng cho các hạng mục nào của JETP. Bước đầu, các hạng mục ưu tiên bao gồm: Chuyển đổi các nguồn năng lượng, sớm dừng hoạt động các nhà máy điện than, hoặc gia tăng tính linh hoạt của các nhà máy điện than nhằm giảm công suất tổng, phù hợp với các mục tiêu JETP.

Việt Nam sẽ gia tăng tính linh hoạt của các nhà máy điện than nhằm giảm công suất tổng, phù hợp với các mục tiêu JETP

Kế hoạch huy động nguồn lực nêu rõ, việc phân bổ vốn nước ngoài trong JETP sẽ được thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và Luật Quản lý nợ công. Các khoản vay chỉ được sử dụng cho các dự án đầu tư và viện trợ không hoàn lại cho các dự án hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực và chuyển giao công nghệ.

Các bên liên quan sẽ xác định ưu tiên bằng cách phân tích những thách thức đối với một số khoản đầu tư nhất định và sự cần có các hành động chính sách cho phép đầu tư. Bốn Nhóm công tác của JETP sẽ giải quyết các thách thức liên quan, đặc biệt là các giải pháp chính sách cần thiết để triển khai công nghệ, tài chính và thống nhất đầu tư (các Nhóm công tác thuộc Bộ Công Thương, Tài Chính, Kế hoạch và Đầu tư). Ngoài ra, các nhà tài chính, chủ đầu tư/chủ dự án như doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân sẽ phải tham gia vào các cuộc đàm phán cấp dự án để có thể thỏa thuận một số khoản tài trợ nhất định theo các cơ chế được liệt kê trong đề xuất tài chính công của IPG.

Nguồn tài chính tư nhân từ GFANZ và cả các ngân hàng thương mại Việt Nam phải là nguồn tài chính chủ yếu dành cho điện mặt trời và điện mặt trời mái nhà, cũng như đóng vai trò quan trọng đối với phát triển hệ thống pin lưu trữ. Đối với lĩnh vực hydro xanh, do công nghệ chưa khả thi về thương mại nên nguồn tài chính ưu đãi nhiều khả năng sẽ là nguồn chính.

Hoàn thiện chính sách liên quan

Trong khuôn khổ JETP, IPG mong muốn Việt Nam xem xét rà soát, hoàn thiện các quy định để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nhà nước tiếp cận nguồn vốn ưu đãi hiện có của IPG nhằm thu xếp vốn, bảo lãnh vốn vay đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện truyền tải trọng điểm theo Quy hoạch điện 8.

Về một số khó khăn liên quan đến giải ngân ODA, IPG đặt vấn đề xác định cơ quan chủ quản đối với các công ty con do doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ theo quy định tại Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ảnh hưởng đến tiến độ của một số dự án đầu tư. Bên cạnh đó, quy định về cho vay lại vốn nhà nước qua các ngân hàng thương mại trong nước dẫn đến tăng chi phí đầu tư của doanh nghiệp nhà nước. Việc tuân thủ các quy định về hạn mức tín dụng và điều kiện bảo lãnh Chính phủ cũng sẽ hạn chế khả năng tiếp cận các khoản vốn vay ưu đãi của IPG.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, IPG đề xuất rà soát, sửa đổi quy định để xác định cơ quan chủ quản phù hợp đối với các công ty con trong ngành năng lượng do doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tiếp cận nguồn vốn ODA, giảm thiểu chi phí vay phát sinh và hạn chế tín dụng không cần thiết. Đồng thời, nghiên cứu, áp dụng cơ chế thí điểm đối với một số dự án quan trọng, cấp bách trong khuôn khổ triển khai thực hiện JETP.

Trong Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố JETP, Chính phủ Việt Nam ghi nhận các đề xuất của IPG và cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan

Điều này nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận và huy động ODA, đặc biệt là vốn vay ưu đãi của IPG trong phạm vi các hạn mức vay nợ quốc gia, trần nợ công, đảm bảo công bằng, minh bạch, an ninh tài khoá, tăng cường nguyên tắc tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Hành lang chính sách được hoàn thiện cũng sẽ kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về tài chính, tín dụng đối với các doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ xem xét áp dụng cơ chế thí điểm đối với một số dự án quan trọng, cấp bách triển khai thực hiện JETP.

Trước mắt, năm 2024, Kế hoạch sẽ dành nguồn lực để hoàn thiện các quy định về giải ngân vốn ODA cho doanh nghiệp nhà nước và phát triển thị trường vốn xanh. Giai đoạn 2025 – 2028 sẽ xây dựng, đề xuất các tiêu chí, lĩnh vực ưu tiên, cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực năng lượng phục vụ chuyển đổi năng lượng công bằng; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các quy định phát triển.

Trung Nguyên

Các tin khác