Các đại biểu dự Hội nghị cấp cao các nước đối tác JCM lần thứ 10
Hội nghị cấp cao các nước đối tác JCM lần thứ 10 nhằm chia sẻ những tiến bộ và thách thức mới nhất về việc thực hiện JCM, đồng thời, tăng cường quan hệ đối tác để thúc đẩy triển khai JCM trong thời gian tới, góp phần thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.
Cơ chế JCM do Chính phủ Nhật Bản đề xuất từ năm 2013 và hàng năm đã đóng góp đều đặn vào việc giảm và loại bỏ phát thải khí nhà kính toàn cầu, thông qua hơn 250 dự án khử các-bon hợp tác với các nước đối tác. Hội nghị cũng chào đón Ukraina - quốc gia đã ký hợp tác JCM sau Hội nghị COP28.
Ông Asao Keiichiro, Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản chủ trì Hội nghị cho biết: JCM là một trong những nỗ lực tích cực nhất như một cách tiếp cận hợp tác phù hợp với Điều 6 của Thỏa thuận Paris. Việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm giữa các quốc gia đối tác sẽ giúp các quốc gia cùng hướng tới một tương lai thịnh vượng và bền vững. Nhật Bản sẽ nỗ lực tốt nhất để triển khai cơ chế này và mong muốn tiếp tục những mối quan hệ hợp tác bền chặt – yếu tố rất quan trọng để triển khai thành công khai cơ chế JCM.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - Phó Trưởng đoàn Đàm phán Việt Nam tại Hội nghị COP 29 phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - Phó Trưởng đoàn Đàm phán Việt Nam tại Hội nghị COP 29 nhận định: Việt Nam và Nhật Bản đều nhận thức rõ tiềm năng mở rộng Cơ chế JCM và đã triển khai nhiều biện pháp chính sách và kỹ thuật để thực hiện hiệu quả hơn, quy mô lớn hơn, thu được nhiều kết quả giảm phát thải khí nhà kính hơn và đặc biệt là mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và cộng đồng hơn trong quá trình triển khai các dự án JCM.
Ông Tấn đề xuất, thứ nhất, Nhật Bản và Việt Nam cần triển khai thực chất và quyết tâm cao để đạt được các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính mà hai quốc gia đã cam kết đến năm 2030.
Thứ hai, cần bảo đảm nguồn lực, không chỉ về công nghệ mà còn về các vấn đề về năng lực, xã hội có liên quan để đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong quá trình thực hiện các dự án JCM.
Thứ ba, cần có những hợp tác mạnh mẽ hơn từ khối tài chính của cả hai quốc gia trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính. Việc phân bổ nguồn tài chính nhanh chóng, hiệu quả cho các dự án JCM cần có những chính sách hỗ trợ, tiêu chí rõ ràng và được đồng thuận từ cả hai quốc gia. Sự tham gia tích cực của các ngân hàng thương mại, các định chế tài chính, đặc biệt là các tập đoàn của hai quốc gia cùng triển khai các dự án JCM sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tận dụng tiềm năng của Cơ chế JCM và thúc đẩy thực hiện để đạt được các mục tiêu khí hậu của cả hai quốc gia.
Lương Huy - Chu Hương