Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành gặp gỡ song phương với bà Rachel Kyte, Đại diện đặc biệt về Khí hậu, an ninh năng lượng và net-zero của Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh.
Tham dự cuộc họp có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, gồm: Cục Biến đổi khí hậu, Vụ Hợp tác quốc tế, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Cục Địa chất Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành bày tỏ vui mừng được gặp bà Rachel Kyte tại Hội nghị COP29 và cảm ơn phía Vương quốc Anh có những hoạt động hợp tác song phương, hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu thời gian qua. Đặc biệt, trước những thiệt hại to lớn do bão Yagi hồi tháng 9/2024, khoản viện trợ khẩn cấp trị giá 1 triệu bảng Anh từ Chính phủ Anh đã góp phần giúp Việt Nam khắc phục hậu quả tại các tỉnh phía Bắc và lũ lụt ở miền Trung. Đây là minh chứng rõ nét cho tình đoàn kết và hợp tác hiệu quả giữa hai quốc gia.
Đoàn công tác của Việt Nam tại cuộc họp song phương với đoàn Vương quốc Anh tại Azerbaijan trong khuôn khổ Hội nghị COP 29
Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cùng Bộ Ngoại giao và Phát triển Vương quốc Anh đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác trong lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu vào ngày 24/10/2024, và cơ quan đầu mối 2 nước sẽ tiếp tục xây dựng Kế hoạch thực hiện MoU. Thứ trưởng Lê Công Thành kỳ vọng bà Rachel Kyte có thể kết nối, huy động nguồn lực để triển khai hợp tác mạnh mẽ các nội dung quan trọng đã xác định trong MoU giữa hai bên, như: ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học, phát triển thị trường các-bon, thúc đẩy các mục tiêu về bảo vệ môi trường và xây dựng nền kinh tế xanh.
Về hợp tác trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, hai bên sẽ tiếp tục ký kết Thỏa thuận hợp tác trong khuôn khổ Chương trình Khoa học khí hậu và thời tiết cho đối tác dịch vụ (WCSSP) cho giai đoạn tiếp theo; tiếp tục các hoạt động nghiên cứu về ảnh hưởng của dao động nội mùa Madden – Julian (MJO) và dao động phương Nam (ENSO) đến xoáy thuận nhiệt đới ở Việt Nam, các nghiên cứu về dự báo bão hạn mùa; tăng cường phối hợp thử nghiệm dự báo các hiện tượng thời tiết cực đoan bằng mô hình dự báo có độ phân giải cao.
Ngoài ra, cơ quan khí tượng thủy văn Việt Nam tiếp tục tiếp nhận và sử dụng kết quả dự báo từ mô hình số trị của cơ quan khí hậu Vương quốc Anh để sử dụng vào phân tích thời tiết nguy hiểm tại Việt Nam; phối hợp nghiên cứu triển khai liên quan đến vấn đề dự báo, cảnh báo thời tiết dựa trên tác động cho Việt Nam; tiếp tục tham gia các khóa đào tạo trong khuôn khổ Chương trình WCSSP với các nội dung chuyên sâu về thời tiết nguy hiểm và dự báo tác động cho khu vực Đông Nam Á.
Thứ trưởng cũng chia sẻ thông tin, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (NAP) (cập nhật) của Việt Nam; và đề nghị Vương quốc Anh có tiếng nói mạnh mẽ hơn ủng hộ hiện thực hóa các khoản đóng góp cho Quỹ Tổn thất và Thiệt hại tại COP29.
Hoan nghênh những nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam trong thời gian qua, bà Rachel Kyte khẳng định, khí tượng thủy văn tiếp tục là lĩnh vực hợp tác quan trọng của hai nước trong thời gian tới.
Liên quan đến vòng cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định lần thứ 3 (NDC 3.0), trong tháng 2/2025, Vương quốc Anh sẽ công bố NDC 3.0 với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính cao hơn, trong đó chú trọng hoạt động hợp tác với các nước đang phát triển, bao gồm Việt Nam.
Toàn cảnh cuộc họp
Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, các cơ quan liên quan đang xây dựng NDC 3.0 và dự kiến có thể công bố vào cuối năm 2025. Việt Nam cũng mong muốn phía Vương quốc Anh có thể hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong cập nhật NDC, và đặc biệt là trong triển khai NDC tới các Bộ, ngành, địa phương.
Tại cuộc họp, hai bên đã trao đổi quan điểm về những vấn đề còn đang vướng mắc tại hội nghị COP29 lần này để tìm điểm chung, thúc đẩy đạt được thỏa thuận trong những ngày đàm phán còn lại.
Bà Rachel Kyte chia sẻ, Vương quốc Anh đã có kinh nghiệm triển khai hỗ trợ thông qua Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), với nhiều nguồn tài chính quốc tế khác nhau. Tuy nhiên, cơ chế huy động nguồn lực tư nhân từ các quốc gia tham gia JETP, trong đó có Việt Nam cần được làm rõ hơn để thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thứ trưởng Lê Công Thành bày tỏ đồng tình với quan điểm này và nhấn mạnh, đây cũng là vấn đề Chính phủ Việt Nam quan tâm và đang nỗ lực cải thiện trong thời gian tới, đặc biệt là xây dựng hành lang pháp lý với các quy định phù hợp để có thể tận dụng tài chính từ nhiều nguồn khác nhau.
Thời gian tới, các cơ quan đầu mối của 2 nước sẽ tiếp tục trao đổi, làm việc để có thể bám sát các nhu cầu ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam và đề xuất các hoạt động hợp tác phù hợp.
Chu Hương - Thành Công (đưa tin từ Azerbaijan)