Tham dự có ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu - Phó trưởng ban chỉ đạo Dự án SPI-NDC; ông Akihiro Miyazaki, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Quản lý môi trường, Vụ Môi trường toàn cầu, tham dự trực tuyến từ trụ sở JICA tại Nhật Bản; ông Koji Fukuda, Cố vấn trưởng dự án SPI-NDC cùng đại diện các thành viên Ban chỉ đạo dự án SPI-NDC từ các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Công Thương; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI.
Dự án SPI-NDC do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, với mục tiêu tăng cường năng lực xây dựng và thực hiện chính sách về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) cam kết trong NDC của các Bộ, ngành tham gia thực hiện NDC; tăng cường thực hiện hiệu quả chính sách huy động dự tham gia của khu vực tư nhân trong quá trình thực hiện NDC thông qua VCCI.
Chia sẻ về kết quả năm 2021, ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải Khí nhà kính và Bảo vệ tầng ô-dôn (Cục BĐKH) cho biết: Dự án đã đề xuất khung giám sát và đánh giá cho các mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK quốc gia, xây dựng bộ chỉ số theo dõi tiến độ thực hiện NDC hằng năm cho các lĩnh vực năng lượng và giao thông vận tải. Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong thực hiện các mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK quốc gia cho các Bộ tham gia thực hiện NDC của Việt Nam.
Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu - Phó trưởng ban chỉ đạo Dự án SPI-NDC phát biểu tại cuộc họp
Dự án cũng đã rà soát, đánh giá hệ thống báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở; thiết kế hệ thống báo cáo trực tuyến và dự kiến chạy thử vào quý 3 năm 2022. Đối tượng sử dụng là các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg, hầu hết là doanh nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng trong sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, dự án đã tham vấn cụ thể cho Bộ GTVT 2 hoạt động cấp ngành là chỉ số theo dõi tiến độ NDC và đánh giá phương tiện giao thông công cộng thân thiện với môi trường. Dự án cũng đã hỗ trợ lập kế hoạch, thực hiện, theo dõi và xây dựng các mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK của khối tư nhân thông qua xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá phát triển bền vững (CSI) cho VCCI.
Theo ông Koji Fukuda, từ tháng 4/2022, JICA đã huy động toàn bộ nhóm chuyên gia thực hiện dự án sang Việt Nam. Trong năm 2022, Dự án sẽ mở rộng phạm vi đánh giá thực hiện NDC trong lĩnh vực chất thải và xi măng. Việc theo dõi tiến độ NDC sẽ tuân thủ các yêu cầu của Thỏa thuận Paris và Hội nghị COP 26. Dự án cũng sẽ đề xuất các chỉ số định lượng để theo dõi NDC cấp ngành, yêu cầu dữ liệu, cơ chế phối hợp khả thi và xác định khả năng thí điểm thực hiện.
Ông Akihiro Miyazaki, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Quản lý môi trường, Vụ Môi trường toàn cầu Nhật Bản phát biểu tham dự trực tuyến từ trụ sở JICA
Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Tăng Thế Cường nhận định: Giai đoạn tới hết sức quan trọng, bởi Việt Nam sẽ đẩy mạnh thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP 26, tham gia thực chất, sâu, rộng hơn trong công tác ứng phó BĐKH. Việt Nam cũng sẽ cập nhật NDC trước khi Hội nghị COP 27 diễn ra. Do vậy, dự án cần phát huy những kết quả đạt được và triển khai các hoạt động gắn với mục tiêu của Việt Nam, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống báo cáo, kiểm đếm khí nhà kính trực tuyến, tăng tính minh bạch và huy động khối tư nhân tham gia ứng phó BĐKH.
Quang cảnh cuộc họp
Đồng tình với quan điểm này, ông Akihiro Miyazaki cho rằng, việc thực hiện NDC ngày càng quan trọng hơn. Dự án SPI-NDC sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai các chính sách quan trọng về biến đổi khí hậu, tăng cường năng lực cho các cơ quan Bộ, ngành, giúp các hoạt động hợp tác với khu vực tư nhân đem lại giá trị gia tăng cao, đảm bảo tính hiệu quả trong hiện thực hóa các cam kết. Hỗ trợ cho Dự án nằm trong kế hoạch của Chính phủ Nhật Bản về hỗ trợ tăng cường các hoạt động thực thi chính sách biến đổi khí hậu toàn cầu, đảm bảo việc đạt được các mục tiêu khí hậu.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận và góp ý về các hoạt động cụ thể triển khai Dự án trong thời gian tới.
Khánh Ly