Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà gặp gỡ ông Remy Rioux, Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD)
Tham dự buổi làm việc có ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường); ông Lê Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường); bà Nguyễn Diệu Trinh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục tài nguyên và môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); các thành viên của Đoàn đám phán Việt Nam tham dự Hội nghị COP26.
Tại buổi trao đổi Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ vui mừng gặp lại ông Remy Rioux tại Glasgow, đồng thời vui mừng trước nỗ lực thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) ký kết nhân dịp chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2018, cho đến nay đã có kết quả.
Báo cáo đưa ra góc nhìn đánh giá về đối tượng dễ bị tổn thương, nghiên cứu đối với người dân và cũng phân tích khía cạnh về mặt kinh tế. Đây là báo cáo góp thêm tiếng nói vào các nghiên cứu và Việt Nam, các nước Ủy hội sông Mê Kông đã nghiên cứu trước đây. Báo cáo cung cấp tác động của biến đổi khí hậu về mặt kinh tế, xã hội.
Việt Nam mặc dù là một đất nước còn nhiều khó khăn đặc biệt là Covid 19, mới bắt đầu phát triển vài thập niên gần đây, nhưng chúng tôi nhận thức trách nhiệm của Việt Nam để thực hiện Thỏa thuận Paris nên đã đặt ra quyết tâm cao đó là đến năm 2050 Việt Nam sẽ giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Bên cạnh đó Việt Nam tham gia Sáng kiến mê-tan; Tuyên bố Glasgow của các nhà Lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; Sáng kiến về Liên minh Hành động vì Thích ứng (AAC).
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao đổi, làm việc với ông Remy Rioux, Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD)
Ông Remy Rioux cho hay ngày 1/11/2021 tại khu trung tâm Hội nghị COP26, Cơ quan Phát triển Pháp đã ra mắt và trình bày báo cáo giữa kỳ: “Biến đổi khí hậu ở Việt Nam: tác động và thích ứng” do các cơ quan và bộ ngành hai nước cùng nhau chuẩn bị. Đây là kết quả hợp tác giữa hai bên mặc dù có ảnh hưởng của dịch Covid kéo dài. Ông Remy Rioux bày tỏ lời cảm ơn đặc biệt tới Tiến sỹ Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu; PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học, Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu về sự hợp tác này.
Mặc dù Báo cáo chỉ gồm 4 phần và 13 chương, báo cáo xây dựng theo báo cáo của Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) theo quy mô cho Việt Nam. Báo cáo trình bày biến đổi khí hậu có thể tác động đến Việt Nam như thế nào, xây dựng từ các kịch bản khí hậu có thể tác động kinh tế vĩ mô và ngành vào năm 2050. Báo cáo cũng tập trung vào hậu quả của biến đổi khí hậu, kết hợp với các động lực con người nhiều hơn ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có vai trò rất quan trọng đối với Việt Nam và toàn khu vực.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày hôm qua công bố về việc đạt được mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 cho thấy một lộ trình rõ ràng và đầy tham vọng, dẫn đầu quá trình chuyển đổi Khu vực Đông Nam Á. AFD sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực mới này.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ lời cảm ơn AFD nói chung và ông Remy Gioux nói riêng đã dành sự quan tâm, hỗ trợ tích cực và hợp tác hiệu quả cho Việt Nam trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đặc biệt lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường và quản lý biển đảo, cụ thể nguồn tài chính hàng năm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện các hành động cụ thể trong chương trình ứng phó biến đổi khí hậu. Bộ trưởng cũng mong muốn AFD hỗ trợ Việt Nam thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), chuẩn bị xây dựng Chương trình Hỗ trợ thực hiện NDC (NDC-ISP), các vấn đề về tài nguyên và môi trường, biển và hải đảo.
Ông Remy Rioux, Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) trao tặng Bộ trưởng Trần Hồng Hà Báo cáo giữa kỳ:“Biến đổi khí hậu ở Việt Nam: tác động và thích ứng”.
Tại buổi gặp mặt, ông Remy Rioux, Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã trao tặng Bộ trưởng Trần Hồng Hà Báo cáo giữa kỳ: “Biến đổi khí hậu ở Việt Nam: tác động và thích ứng”. Trong thời gian qua hơn 60 chuyên gia và nhà khoa học của Việt Nam và Pháp đã làm việc cùng nhau để xây dựng nền tảng kiến thức quan trọng và kịp thời về thích ứng này… xây dựng quan hệ hợp tác khoa học bền chặt giữa hai nước về đánh giá tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Báo cáo chia làm 04 phần chính: (i) Phần 1 về tác động của biến đổi khí hậu trong quá khứ, hiện tại và tương lai đề cập tới biến đổi khí hậu toàn cầu tại Việt Nam; tác động của BĐKH và thích ứng tại Việt Nam; (i) Phần 2 về các tác động của ngành (y tế, nông nghiệp/lúa gạo, năng lượng, năng suất lao động, doanh thu hộ gia đình) và các chiến lược thích ứng tương ứng (đánh giá định lượng); (iii) Phần 3 của báo cáo giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long và cách thức xây dựng chiến lược thích ứng, trong đó tập trung giới thiệu về động lực của biến đổi khí hậu và môi trường ở đồng bằng sông Cửu Long; những rủi ro xuyên biên giới của biến đổi khí hậu và cấu trúc thể chế thích ứng ở cấp khu vực; sụt lún, xâm nhập mặn và các khả năng thích ứng của địa phương; xây dựng các lộ trình thích ứng năng động thông qua mô hình dựa trên tác nhân của thay đổi sử dụng đất ở đồng bằng sông Cửu Long; (iv) Phần 4 giải quyết các khía cạnh vĩ mô của thích ứng và các tác động nêu các chiến lược thích ứng quốc gia và hành vi thích ứng của địa phương; vấn đề về tài chính thích ứng ở Việt Nam và những lộ trình khả thi; Đo lường các tác động kinh tế vĩ mô của biến đổi khí hậu và nhu cầu đầu tư cơ bản cho thích ứng.
Tóm tắt các chương, phần và tóm tắt chung của báo cáo được trình bày bằng 3 ngôn ngữ. Các khuyến nghị về nghiên cứu và chính sách công được đề xuất trong từng chương và phần của báo cáo.
Chu Thanh Hương, đưa tin từ Glasgow, Vương quốc Anh