Hội nghị COP26 sẽ được tổ chức tại Glasgow, Vương quốc Anh vào cuối năm 2021. Tại Hội nghị lần này, các Bên sẽ tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là thông qua Bộ Quy tắc thực hiện Thoả thuận Paris (mới được thông qua một phần tại COP24 năm 2018 tại Ba Lan).
Hội nghị cũng sẽ đánh giá nỗ lực của các quốc gia trong việc thực hiện cam kết đến năm 2020, đưa ra cam kết cho giai đoạn đến năm 2030 và sau 2030 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, đóng góp tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực. Bên cạnh đó, các Bên sẽ thảo luận về trình tự, thủ tục, thông tin cần thiết để đánh giá nội dung cam kết và việc thực hiện cam kết của một quốc gia...
Chủ tịch COP26 Alok Kumar Sharma. Ảnh: theguardian
Nhằm chuẩn bị cho Hội nghị COP26, nước chủ nhà Vương quốc Anh đã bổ nhiệm Nghị sĩ Alok Kumar Sharma giữ cương vị Chủ tịch COP26 – người sẽ bao quát toàn bộ các vấn đề liên quan đến nội dung cũng như cơ sở vật chất để bảo đảm Hội nghị COP26 diễn ra thành công. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chủ tịch COP26 là tìm hiểu quan điểm, ưu tiên của các quốc gia và vận động tìm điểm chung, giải quyết sự khác biệt nhằm đạt được sự đồng thuận của các bên đối với những nội dung dự kiến sẽ đưa ra thảo luận tại COP26.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, dự kiến Chủ tịch COP26 sẽ có buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; trao đổi với Trưởng Ban Công tác đàm phán của Việt Nam về Biến đổi khí hậu - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Bên cạnh đó, ông Sharma cũng sẽ có các cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh.
Mục đích của các buổi làm việc nhằm ghi nhận mức độ dễ bị tổn thương đặc biệt của Việt Nam trước tác động của biến đổi khí hậu, những cam kết và sự tham gia của Việt Nam, bao gồm cuộc tranh luận mở về Biến đổi khí hậu và An ninh của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC), do Thủ tướng Vương quốc Anh Johnson chủ trì vào tháng 2/2021.
Các bên cũng thảo luận về khả năng thích ứng và khả năng chống chịu, cũng như tầm quan trọng của các giải pháp thuận tự nhiên để ứng phó với biến đổi khí hậu; tầm quan trọng của các hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam nhằm tăng cường khả năng thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.
Trước khi đến Việt Nam, ngài Alok Sharma đã có các chuyến công du gặp lãnh đạo các nước G7, G20, Tổng thống Hoa Kỳ, Tổng thư ký Liên hợp quốc, Thư ký điều hành của Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Ấn độ và nhiều nguyên thủ quốc gia khác để thảo luận các vấn đề liên quan
Việc Bộ trưởng, Chủ tịch COP26 lựa chọn Việt Nam là một trong những quốc gia đến thăm và làm việc cho thấy vai trò, vị thế của Việt Nam trong xử lý các vấn đề toàn cầu, trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu.
Khánh Ly