Tin tức / Hội nghị COP các Bên tham gia UNFCCC
Tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu cho các thành phố tại Việt Nam
Ngày đăng: 12/04/2021
Chiều ngày 25/3/2021, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đồng tổ chức hội thảo “Thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh đô thị”. Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc (COP26) sẽ diễn ra vào tháng 11/2021.

Hội thảo này thu hút sự tham gia của đại diện các cơ quan Chính phủ, các đối tác phát triển, doanh nghiệp, học viện, mạng lưới thanh niên và cộng đồng địa phương. Đây là cơ hội để các bên chia sẻ thông tin về những thách thức, lợi ích thực tiễn cụ thể nhất và các bài học kinh nghiệm để xây dựng khả năng chống chịu của đô thị ở Việt Nam; từ đó, khám phá và đề xuất các cách thức lập kế hoạch chính sách, lên ngân sách cũng như những hành động cần thiết.

Chúng ta đang sống trong một thế giới đang ngày một đô thị hoá, và xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai. Các nghiên cứu cho thấy rằng hơn một nửa dân số thế giới đã sống ở các thành phố kể từ năm 2007 và đô thị hóa ước tính sẽ tăng lên 80% vào năm 2050. Tại Việt Nam, 76 thành phố bao gồm 60% tổng dân số cả nước và đóng góp vào hơn 70% GDP.

Khi dân số và cơ sở vật chất của các thành phố tiếp tục phát triển, chúng ta phải đối mặt với những thách thức liên quan đến nhà ở, quản trị, di chuyển trong đô thị và đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu. Điều kiện khí hậu ngày càng có xu hướng thay đổi, tạo thêm áp lực và bất ổn cho các khu vực đô thị. Các thành phố ven biển của Việt Nam là vùng trũng thấp và thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn. Thiệt hại của các thảm họa do khí hậu gây ra đang tăng lên nhanh chóng, gây ảnh hưởng ngày càng lớn tới cuộc sống, tài sản và sinh kế của con người cũng như các hệ thống sinh thái có giá trị.

Hội thảo là dịp để các bên chia sẻ thông tin về những thách thức, lợi ích thực tiễn cụ thể nhất và các bài học kinh nghiệm để xây dựng khả năng chống chịu của đô thị ở Việt Nam

Phát triển đô thị dựa trên các biện pháp bền vững, thích ứng với khí hậu sẽ mang lại một môi trường an toàn và lành mạnh cho sự phát triển kinh tế và tăng cường khả năng chống chịu của cư dân thành phố. Khả năng chống chịu của đô thị chính là việc giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai và cũng liên quan đến khả năng nhanh chóng trở lại trạng thái ổn định. Tuy nhiên, những biện pháp thích ứng với khí hậu và khả năng chống chịu không phải lúc nào cũng được lồng ghép chặt chẽ vào các quy trình lập kế hoạch và ngân sách cho đô thị.

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Anh tại Việt Nam - Gareth Ward cho biết: “Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc lồng ghép các chiến lược thích ứng vào quy hoạch sử dụng đất có thể giúp tăng cường khả năng chống chịu của các thành phố trước các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu. Quá trình số hóa đóng vai trò quan trọng trong việc này. Vương quốc Anh hiện tài trợ 135 triệu Đô-la Mỹ trong 5 năm (2016-2021) thông qua Quỹ Biến đổi khí hậu và Khả năng Chống chịu của Đô thị (UCCRTF) để hỗ trợ các thành phố đang phát triển nhanh ở châu Á, trong đó có Việt Nam, giảm thiểu rủi ro mà người nghèo và đối tượng dễ bị tổn thương phải đối mặt do tác động của biến đổi khí hậu. COP26 mang đến cơ hội quan trọng để nâng cao tầm nhìn toàn cầu về tăng cường khả năng chống chịu của đô thị. Từ nay đến COP26, cùng với các đối tác phát triển khác, chúng tôi mong muốn được hợp tác hơn nữa với Chính phủ Việt Nam trong chương trình nghị sự quan trọng này.”

Phó trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, bà Sitara Syed nhấn mạnh: “Các nỗ lực tổng thể nhằm giảm thiểu rủi ro và thích ứng với biến đổi khí hậu trên quy mô quốc gia cần phải kết hợp với việc giảm thiểu rủi ro đặc biệt là ở các khu vực đô thị”.

Bà Syed lưu ý rằng hầu hết các thành phố bị ảnh hưởng bởi thiên tai đều không được chuẩn bị ứng phó với thiên tai sẽ xảy ra trong tương lai hoặc để giảm các rủi ro liên quan. “Là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Thành phố là nơi bị ảnh hưởng đầu tiên của biến đổi khí hậu, cả về những gì đang bị đe dọa và về tiềm năng tạo ra những thay đổi có ý nghĩa và lâu dài. Nếu có một thông điệp chính mà tôi muốn chúng ta rút ra từ hôm nay, đó là nếu không ưu tiên tăng cường khả năng chống chịu của các đô thị, chúng ta có nguy cơ đánh mất lợi ích phát triển của Việt Nam trước những thiên tai mà lẽ ra có thể tránh được.”

Chương trình Thành phố Tương lai do Chính phủ Anh tài trợ giúp tăng cường khả năng chống chịu của các thành phố trước các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu

Ông Derek Murray, Cố vấn Công nghệ Thông minh và Dữ liệu Thành phố Tương lai từ Mott MacDonald nhấn mạnh: "Một thành phố có khả năng chống chịu là một thành phố hoạt động thông minh, tập trung vào các dịch vụ tích hợp và lấy người dân làm trung tâm, đồng thời sẵn sàng ứng phó với các hiện tượng khí hậu thông qua việc đưa ra quyết định dựa trên những bằng chứng có thực. Chương trình Thành phố Tương lai do Chính phủ Anh tài trợ sẽ phối hợp với các thành phố trên khắp Đông Nam Á để xây dựng năng lực tăng cường khả năng chống chịu. Tại TP Hồ Chí Minh, chương trình bao gồm tăng cường khả năng chống ngập, hỗ trợ số hóa mạng lưới thoát nước và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật về quản lý và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan.

Với tư cách là Đối tác hỗ trợ thực hiện kỹ thuật của Chính phủ Anh, Mott MacDonald mang đến những thông tin chi tiết về dữ liệu để giúp các thành phố xây dựng khả năng chống chịu dài hạn và ứng phó với các hiện tượng khí hậu bằng cách thu hẹp khoảng cách trong lĩnh vực và trang bị nhận thức, kiến thức và năng lượng cho cộng đồng, doanh nghiệp và các tổ chức để chuẩn bị ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu."

COP26: Vào tháng 11/2021, Vương quốc Anh cùng phối hợp với Italia tổ chức Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp quốc lần thứ 26 (COP26) tại Glasgow. Đây là cơ hội để thế giới xích lại gần nhau và cam kết hành động toàn cầu nhằm cắt giảm khí nhà kính để đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris, hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu xuống dưới 1,5 độ C. Vương quốc Anh cam kết chủ trì COP26 một công bằng và toàn diện để mang lại sự hợp tác giữa các chính phủ, doanh nghiệp và xã hội dân sự, đẩy nhanh tiến độ trong năm lĩnh vực chính: Thích ứng và khả năng chống chịu, Thiên nhiên, Năng lượng, Giao thông vận tải, và Tài chính.