Tin tức / Tin Dự án - Hợp tác quốc tế
Đào tạo giảng viên nguồn về nguyên tắc thực hành tốt trong lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lạnh và điều hòa không khí
Ngày đăng: 29/12/2020
Thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II (Dự án HPMP II) nhằm loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC, đảm bảo Việt Nam đáp ứng nghĩa vụ loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo lộ trình Nghị định thư Montreal quy định.

Mục tiêu của Dự án HPMP II nhằm loại trừ tiêu thụ 1.000 tấn HCFC-22 trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí gia dụng, sản xuất xốp, thiết bị làm lạnh và lĩnh vực dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh.

Khóa đào tạo Giảng viên nguồn 2 tổ chức tại Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh

Lĩnh vực làm lạnh và điều hoà không khí có tầm quan trọng đối với người tiêu dùng nội địa, ngành du lịch, các ngành công nghiệp khác, bao gồm lĩnh vực dân dụng, chế biến và bảo quản thực phẩm. Nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát, dây chuyền làm lạnh đang gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Điều này mang đến những lo ngại về việc rò rỉ môi chất lạnh có ảnh hưởng đến môi trường như HCFC-22 có chứa trong các thiết bị đang được sử dụng ra môi trường trong quá trình thực hiện bảo trì, bảo dưỡng thiết bị lạnh và điều hòa không khí. Mặt khác, hiện nay trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại thiết bị lạnh và điều hòa không khí sử dụng môi chất lạnh môi chất lạnh thân thiện hơn với môi trường nhưng có tính cháy (HFC-32, HC-290). Do vậy, các kỹ thuật viên trong lĩnh vực làm lạnh, điều hoà không khí cần được tăng cường kiến thức, cập nhật thông tin về các quy định quản lý và công nghệ làm lạnh bằng môi chất lạnh thay thế thân thiện hơn với môi trường, các yêu cầu an toàn, kỹ thuật kiểm soát rò rỉ môi chất lạnh, đảm bảo thực hành tốt trong lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lạnh và điều hòa không khí.

Trong năm 2020, Cục Biến đổi khí hậu và phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt-Lạnh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội xây dựng tài liệu đào tạo và tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho các giảng viên nguồn thuộc các trường cao đẳng, trung cấp dạy nghề có giảng dạy kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí về nguyên tắc thực hành tốt trong lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lạnh và điều hòa không khí. Ba (3) khóa đào tạo đã được tổ chức trong thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2020 tại Viện Khoa học và công nghệ Nhiệt-Lạnh (Hà Nội), Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Hồ Chí Minh (Tp. Hồ Chí Minh) và Trường Cao đẳng nghề Phú Yên (Tuy Hòa) với sự tham gia của hơn 70 học viên đến từ gần 40 trường Cao đẳng, Trung cấp dạy nghề thuộc các tỉnh khu vực miền Bắc, Trung và Nam.

Các học viên là Giảng viên nguồn thực hành hàn ống

Nội dung đào tạo tập trung cung cấp thông tin tổng quan, quy định trong nước và quốc tế về quản lý môi chất lạnh, các nguyên tắc thực hành tốt về kiểm soát rò rỉ môi chất lạnh, yêu cầu về an toàn khi thao tác với môi chất lạnh thay thế có tính cháy (HFC-32, HC-290). Học viên tham gia khóa đào tạo được phổ biến về các yêu cầu an toàn, các thiết bị chuyên dụng dành cho lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị lạnh, điều hòa không khí sử dụng môi chất lạnh có tính cháy. Thực hành ngay tại lớp học về kỹ thuật cắt và nối ống, nong ống, loe ống, hàn, thử kín; lắp đặt, đi ống, hút chân không, nạp môi chất theo định lượng và thu hồi môi chất lạnh bằng thiết bị chuyên dụng cho thiết bị điều hòa dân dụng sử dụng HFC-32.

Các khóa đào tạo đã được tổ chức thành công và nhận được các phản hồi tích cực từ các học viên tham gia với nhiều ý kiến mong muốn khóa học được nhân rộng, tăng thêm về thời lượng giảng dạy lý thuyết và thực hành. Các khóa đào tạo đã tạo ra một mạng lưới liên kết và diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hữu ích cho các giảng viên tại các trường Cao đẳng, trung cấp dạy nghề trong cả nước. Qua đó, thông tin cập nhật về quy định quản lý và công nghệ thay thế liên quan đến môi chất lạnh được phổ biến và chia sẻ đến các giảng viên nguồn một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Hướng dẫn thực hành thu hồi môi chất

Dự kiến trong giai đoạn tới 2021-2023, Dự án HPMP II sẽ tiếp tục phối hợp với các bên liên quan tổ chức đào tạo cho hơn 3000 kỹ thuật viên về nguyên tắc thực hành tốt trong lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lạnh và điều hòa không khí cho đối tượng là kỹ thuật viên tại các trường nghề và các cơ sở lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng trên cả nước với mục tiêu đảm bảo an toàn và thực hành tốt trong lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng và giảm thiểu phát thải môi chất lạnh ra môi trường đóng góp vào thực hiện thành công mục tiêu Dự án HPMP II đã đề ra.

Cục BĐKH

Các tin khác