Tại buổi tiếp và làm việc với ông Antonio Alessandro, Đại sứ Italy và ông Gareth Ward, Đại sứ Anh tại Hà Nội, hai bên đã cùng nhau trao đổi về kế hoạch tổ chức Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) dự kiến tổ chức tại Vương quốc Anh, từ 09-20/11/2020 và các thông tin cập nhật của Việt Nam chuẩn bị cho COP26.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Lê Công Thành tiếp và làm việc với Đại sứ quán Italy và Đại sứ quán Anh
Đánh giá vai trò đầu tầu của hai nước Anh và Ý trong ứng phó và dẫn dắt ứng phó BĐKH toàn cầu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Ý và Anh thường xuyên chia sẻ với Việt Nam các thông tin liên quan đến COP26 để Việt Nam xem xét ủng hộ và trao đổi với các nước ASEAN trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020.
Tại COP26, Việt Nam dự kiến sẽ trưng bày, thúc đẩy các hoạt động chung của ASEAN về ứng phó với BĐKH. Việt Nam dự kiến sẽ có một gian hàng tại COP26 để quảng bá các hoạt động của Việt Nam và ASEAN.
* Tại buổi tiếp và làm việc với bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam và bà Grete Løchen, Đại sứ Na Uy, hai bên đã cùng nhau trao đổi và đề xuất trao đổi các nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với BĐKH.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp và làm việc với Bà Caitlin Wiesen
*Cũng trong sáng 26/2, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác của Đại sứ quán Phần Lan do ông Kari Kahiluoto - Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam làm Trưởng đoàn.
Hoan nghênh Ngài Đại sứ và Giám đốc Tổ chức Sitra cùng các cán bộ của Đại sứ quán Phần Lan đã đến tham dự buổi làm việc, cùng trao đổi, thảo luận về những kết quả hợp tác tốt đẹp giữa hai nước trong lĩnh vực tài nguyên môi trường thời gian qua và đề xuất những sáng kiến, cơ hội thúc đẩy hợp tác sâu, rộng hơn nữa trong thời gian tới.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp và làm việc với ông Kari Kahiluoto - Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam
Bộ trưởng chúc mừng Phần Lan đặt mục tiêu phấn đấu trở thành quốc gia tiên phong trên thế giới về kinh tế tuần hoàn vào năm 2025.
Những kinh nghiệm của Phần Lan trong lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên trong Lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn, các cơ chế hợp tác đối tác công tư (PPP), các công cụ tài chính mới để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phát triển với sự tham gia của toàn xã hội sẽ là những bài học quý cho Việt Nam trong thời gian tới. Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn từ những thực tiễn về kinh tế tuần hoàn, Phần Lan sẽ hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường nói riêng và Việt Nam nói chung bằng những hành động cụ thể.
Bộ trưởng cho biết, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có nội dung về kinh tế tuần hoàn. Bộ mong muốn phía Phần Lan sẽ cùng đồng hành hỗ trợ, chuyển giao các kinh nghiệm về chính sách pháp luật, cách tổ chức thực hiện để phía các cơ quan cũng như doanh nghiệp Việt Nam xây dựng lộ trình và chuyển đổi dần cơ cấu nền kinh kế phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Quang cảnh buổi tiếp và làm việc sáng ngày 26/2
Bộ trưởng giao Vụ Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ trao đổi thông tin với Đại sứ quán Phần Lan về phương án tổ chức, xây dựng Đề án, báo cáo lãnh đạo Bộ.
Khương Trung