Hội nghị COP 24. Ảnh: Indian Express
Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu mới đây đã công bố một báo cáo trong đó ghi nhận tác động của biến đổi khí hậu khi nhiệt độ trái đất tăng thêm 1,5 độ C. Theo báo cáo, thế giới đang đi chệch hướng trong kế hoạch ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu. Thay vì giới hạn mức tăng nhiệt độ trái đất ở mức 1,5 độ C, nhiệt độ trái đất có xu hướng sẽ tăng lên 3 độ C trong thế kỷ này.
Để đạt mục tiêu đề ra, đòi hỏi phải có những thay đổi nhanh chóng, không có tiền lệ trong mọi khía cạnh xã hội. Nếu tình trạng ấm nóng toàn cầu tiếp tục được duy trì ở mức 1,5 độ C trong thế kỷ này, lượng phát thải CO2 sẽ giảm 45% vào năm 2030. Báo cáo được công bố tại Hàn Quốc vào tháng 10/2018, đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt của giới khoa học và chính trị trên khắp thế giới. Tuy nhiên, ngay từ khi được công bố và đến Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu năm 2018, vẫn có không ít ý kiến phản đối báo cáo, đi đầu là Saudi Arabia.
Thay vì đồng thuận đưa cụm từ hội nghị “hoan nghênh” báo cáo, 4 nước Mỹ, Saudi Arabia, Nga và Kuwait chỉ đồng ý đưa vào cụm từ hội nghị “ghi nhận” báo cáo – một cụm từ được giới khoa học đánh giá là “lãnh đạm, thờ ơ” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hiện nay.
Saudi Arabia thậm chí còn đấu tranh đến phút cuối cùng khi báo cáo được công bố tại Hàn Quốc, với yêu cầu giới hạn kết luận được đưa ra trong cáo cáo. Bất đồng giữa các bên tham gia đã khiến phiên họp toàn thể của Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu năm 2018 không thông qua được văn kiện về biến đổi khí hậu. Nhiều nước đã bày tỏ sự thất vọng về kết quả hội nghị.
Theo đại biểu Yamide Dagnet thuộc Viện Nguồn lực Thế giới và là cựu đàm phán biến đổi khí hậu của Anh, bà thực sự giận dữ khi có một số quốc gia lại bác bỏ thông điệp và hệ lụy của biến đổi khí hậu mà thế giới đang phải đối mặt. Trong khi đại biểu Ruenna Haynes đến từ quốc đảo St Kitts and Nevis, Tây Ấn thì nói rằng, điều nực cười nhất là hội nghị đã không thể hoan nghênh báo cáo.
Còn theo đại biểu Camilla Born thuộc Tổ chức vì Môi trường E3G, khoa học khí hậu không phải là một môn bóng đá chính trị. Chính phủ các nước, kể cả Saudi Arabia đều phải đồng ý về vấn đề nhiệt độ trái đất có thể tăng 1,5 độ C và phải bảo vệ sự thật này. Saudi Arabia không thể tranh cãi với thực tế. Biến đổi khí hậu vẫn đang diễn ra./.