Tin tức / Hội nghị COP các Bên tham gia UNFCCC
Khai mạc Hội nghị lần thứ 24 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP24)
Ngày đăng: 05/12/2018
Hội nghị COP 24 được tổ chức tại Katowice các ngày từ 02 đến ngày 14 tháng 12 năm 2018. Các phiên họp nhóm trong khuôn khổ Hội nghị bắt đầu từ 28 tháng 11, các phiên họp kỹ thuật chính thức bắt đầu từ ngày 2 tháng 12, các phiên họp cấp cao chủ yếu bắt đầu từ 10 tháng 12. Nội dung trọng tâm của Hội nghị COP24 nhằm tiếp tục thảo luận và dự kiến thông qua Chương trình Nghị sự thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (PAWP) và thúc đẩy hành động ứng phó và hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu. Một số sự kiện chính trong hai tuần diễn ra Hội nghị gồm: (i) thảo luận cấp Bộ trưởng về tài chính khí hậu; (ii) đánh giá về việc thực hiện giảm nhẹ và kỳ vọng về các hành động trước năm 2020 và (iii) Đối thoại Talanoa.


Khai mạc COP 24 tại KATOWICE, BA LAN

 

Trước thềm Hội nghị, ba báo cáo quan trọng được công bố đó là Báo cáo đặc biệt của IPCC về tác động của việc ấm lên toàn cầu 1.5oC, Báo cáo thiếu hụt về phát thải năm 2018 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, Báo cáo đánh giá hai năm 2018 và Tổng quan về dòng tài chính khí hậu được chuẩn bị dưới sự hướng dẫn của Ban Điều hành UNFCCC.

Phiên khai mạc chính thức Hội nghị COP 24 diễn ra vào ngày 03 tháng 12 năm 2018. Tại phiên khai mạc Tổng thống Ba Lan, Ngài Andrzej Duda kêu gọi sự hợp tác giữa các bên. Ông nhấn mạnh thêm chúng ta cần phải chứng mình rằng Lãnh đạo các quốc gia sẵn sàng để thực hiện Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu một các đầy đủ. Ông cho rằng cần thảo luận để thông qua “Hướng dẫn Katowice” về thực hiện Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Ông António Guterres, Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết thế giới vẫn chưa hành động đủ, chưa đủ nhanh để chống lại những tác động không thể đảo ngược của biến đổi khí hậu. Ông kêu gọi các bên: cần đảm bảo phát thải khí nhà kính giảm 45% vào năm 2030 so với năm 2010 và đạt phát thải bằng 0 vào năm 2050. Chúng ta cần theo đuổi phát triển các-bon thấp và phát triển bền vững chống chịu với khí hậu. Ông hy vọng rằng Đối thoại Talanoa sẽ thúc đẩy các cam kết cho hành động khí hậu.

Ông Michał Kurtyka, Chủ tịch COP 24 cho biết chúng ta cần hợp tác cùng nhau để bảo vệ hành tinh của chúng ta, điều này yêu cầu sự thay đổi trong cách sống, cách chúng ta kiếm sống, các chúng ta xây dựng các thành phố, thiết kế các toà nhà. Ngoài ra ông cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của “Hướng dẫn Katowice”.

Tổng thống Ba Lan cũng đã trình bày về Tuyên bố về đoàn kết và chuyển đổi công bằng (sáng kiến của Ba Lan kêu gọi các bên cùng tham gia) và nhấn mạnh rằng việc phê duyệt Tuyên bố này giúp đạt được các nguyên tắc của Thoả thuận Paris.

Ông David Attenborough, là một phát thanh viên và nhà tự nhiên học người Anh, được biết đến là Bảo vật quốc gia của Anh. Sự nghiệp của ông được biết đến với việc ông đã dẫn các chương trình về lịch sử tự nhiên trong suốt 60 năm qua. Phát biểu tại phiên khai mạc ông đưa ra thông điệp: thời gian không còn nữa, các nhà hoạch định chính sách cần phải hành động bây giờ bằng cách đưa ra các quyết định khó khăn và các hy sinh cần thiết để giúp tạo ra sự thay đổi thế giới. Sự tiếp tục của nền văn minh nhân loại và thế giới tự nhiên nằm trong tay của các nhà lãnh đạo thế giới.

Đoàn Việt Nam tham dự COP 24 gồm đại diện các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Y tế và Hội đồng tư vấn của Uỷ ban quốc gia về BĐKH (VPCC).

Mục đích chủ yếu việc Việt Nam tham gia đàm phán BĐKH tại các Hội nghị của Liên hợp quốc về BĐKH năm 2018 nhằm: (i) Nắm bắt các xu hướng ứng phó với BĐKH toàn cầu, góp phần xây dựng các quy định chi tiết triển khai thực hiện Thoả thuận Paris về BĐKH, UNFCCC, Nghị định thư Kyoto, trọng tâm là làm rõ các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau về NDC, từ đó bảo vệ lợi ích quốc gia và có thêm thông tin thực hiện việc rà soát, cập nhật NDC của Việt Nam để triển khai thực hiện từ năm 2021 trở đi; (ii) Tận dụng cơ hội để thông tin tới cộng đồng quốc tế về tác động của BĐKH; nỗ lực quốc gia trong ứng phó với BĐKH và thực hiện NDC; từ đó có thêm cơ hội thu hút nguồn lực quốc tế để thực hiện các nỗ lực ứng phó BĐKH của Việt Nam; (iii) Góp phần thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, XII, Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Thế giới đã mất trên 20 năm, từ năm 1992 đến trước 2015, để đàm phán nhưng vẫn không thống nhất được trách nhiệm cụ thể của mỗi bên trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Chỉ tới COP21 năm 2015, với cách tiếp cận dưới lên, các bên đã tự đưa ra mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH của quốc gia mình thông qua Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Tuy nhiên đây mới là cam kết của mỗi quốc gia. Nhưng việc xây dựng so sánh nỗ lực của các quốc gia với nhau, để khẳng định đóng góp đó là công bằng, là phù hợp với trách nhiệm phát thải khí nhà kính và trình độ phát triển của quốc gia trong quá khứ, hiện tại và dự báo đến 2030 là cả vấn đề lớn và phức tạp. Ba năm qua, các quốc gia đã cùng thảo luận để xây dựng thước đo chung này. Cho đến thời điểm hiện tại, khác biệt còn khá lớn giữa các quốc gia. Thu hẹp khác biệt này để đi đến thoả thuận là khó khăn lớn nhất tại COP24 và cũng là trọng tâm của Hội nghị năm nay, đó là thông qua Chương trình nghị sự thực hiện Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Chu Thanh Hương đưa tin từ Katowice, Ba Lan

Các tin khác