Tin tức / Tin Dự án - Hợp tác quốc tế
Hội thảo xây dựng dự án tăng cường bình đẳng giới thông qua hoạt động giảm thiểu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu
Ngày đăng: 02/08/2018
Ngày 31 tháng 07 năm 2018, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam phối hợp với Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc UN Women và Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc UN Environment đã tổ chức Hội thảo xây dựng dự án tăng cường bình đẳng giới thông qua hoạt động giảm thiểu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu (EMPOWER) với mục tiêu: Nâng cao quyền năng của phụ nữ nhằm xây dựng cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Dự án được thực hiện trong thời gian 5 năm (2018-2022) với các mục tiêu nhằm tăng cường bình đẳng giới và quyền con người trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại một số quốc gia trong khu vực khu vực bao gồm Băng-La-Đét, Cam-pu-chia và Việt Nam.

Tham dự hội thảo có Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc, Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc, Hội đồng nữ doanh nhân Việt Nam, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ); Tổ chức Oxfarm; Viện Nghiên cứu chính sách chiến lược truyền thông; Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Vụ Khoa học, Giáo dục Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Thống kê), Hội Chữ thập đỏ, các Tổ chức Phi Chính phủ nước ngoài….

Phát biểu tại Phiên khai mạc, Ông Pereric Högberg, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng ta phải đảm bảo rằng tiếng nói của phụ nữ được lắng nghe và phụ nữ tham gia vào tất cả các khâu trong quá trình ra quyết định liên quan đến biến đổi khí hậu”

Ông Pereric Högberg, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam phát biểu tại buổi hội thảo

Ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết cần có các số liệu và thông tin có tách biệt về giới, tuổi và nhóm xã hội khác nhau; thiếu các công cụ và tài liệu phân tích giới khiến công tác lồng ghép giới trong các chương trình về giảm nhẹ rủi ro thiên tai chưa đi vào thực tế; cần có sự phối hợp và hợp tác kỹ thuật chặt chẽ hơn nữa giữa các bộ, ngành liên quan trong trong xây dựng chính sách lồng ghép giới trong công tác phòng chống thiên tai; quan niệm xã hội về vai trò của phụ nữ và nam giới trong công tác phòng chống thiên tai tại gia đình và cộng đồng với quan niệm phụ nữ yếu đuối và thường là nạn nhân của thiên tai đã hạn chế sự tham gia tích cực của phụ nữ vào việc lập kế hoạch và ra quyết định.

Bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết bà tin tưởng rằng việc điều phối tốt hơn về vấn đề bình đẳng giới trong biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai có thể hỗ trợ hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.

 

Bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc tại Việt Nam

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì Phiên thảo luận đầu tiên của hội thảo liên quan tới bối cảnh, kinh nghiệm quốc gia trong lồng ghép giới vào các công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm rủi ro thiên tai, những hạn chế và thách thức. Ông Phạm Văn Tấn cho biết bình đẳng giới là một trong nhưng ưu tiên hàng đầu để phát triển. Là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu trong đó đối tượng dễ bị tổn thương nhất là phụ nữ, trẻ em, người gia. Vậy Việt Nam đã làm được tới đâu và cần phải làm gì, các đại diện từ 03 cơ quan đã trao đổi về bối cảnh và kinh nghiệm của quốc gia trong việc lồng ghép giới vào các công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai; những hạn chế và thách thức cần phải đối mặt.

 

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại hội thảo

Đại diện Cục Biến đổi khí hậu cho biết giới được lồng ghép trong nhiều quyết định có liên quan trong khuôn khổ UNFCCC về nội dung thích ứng; giảm nhẹ; phát triển và chuyển giao công nghệ; tài chính; tăng cường năng lực; tổn thất thiệt hại. Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu giới được lồng ghép trong phần mở đầu, thích ứng và tăng cường năng lực. Đại diện Cục Biến đổi khí hậu đề xuất một số nội dung hợp tác trong khuôn khổ dự án mới như tăng cường năng lực và sự tham gia của phụ nữ trong đàm phán Biến đổi khí hậu, xây dựng chính sách ứng phó với Biến đổi khí hậu, thực hiện các hoạt động ứng phó với Biến đổi khí hậu ở địa phương; hỗ trợ thu thập dữ liệu về tổn thất thiệt hại đối với nữ giới; lồng ghép nữ giới trong NAP và NDC.

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Lê Quang Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng Cục phòng chống thiên tai cho rằng, định kiến giới vẫn tồn tại và tác động tiêu cực đến sự tiến bộ của phu nữ trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai/ xây dựng khả năng thích ứng. Phụ nữ tuy đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ cộng đồng, thu nhập và tài sản nhưng vai trò của họ chưa được công nhận và sự lãnh đạo của họ trong quá trình ra quyết định về thích ứng biến đổi khí hậu/giảm nhẹ rủi ro thiên tai chưa được thúc đẩy.

Phát biểu tại hội thảo, bà Trần Thu Thủy, Chánh Văn Phòng Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nhận xét rằng, sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động của ban phòng chống thiên tai ở các địa phương còn rất hạn chế cả về số lượng và chất lượng, họ ít có tiếng nói quyết định trong các hoạt động sản xuất nhằm chuyển đổi cơ cấu thích ứng với Biến đổi khí hậu. Để giải quyết tình trạng này cần phải bổ sung các rà soát chính sách có đánh giá tác động giới ở một số lĩnh vực; nghiên cứu cụ thể về tác động của thiên tai đối với phụ nữ để căn cứ đề xuất chính sách và hoạt động can thiệp; tổ chức các buổi hội thảo nâng cao nhận thức về giới trong lĩnh vực này cho lãnh đạo các bộ, ngành liên quan; tổ chức các hoạt động truyền thông cần làm tại cơ sở, cách thức theo nhóm đối tượng, theo loại hình thiên tai đặc thù.

Thông qua buổi thảo luận, bên chủ trì dự án và bên các Bộ, ngành có liên quan đã đạt thảo luận bốn kết quả đầu ra dự án. Sau cuộc họp, tổ chức UN Women Việt Nam sẽ tổng hợp các kết quả, phối hợp các bên hoàn thiện đề cương để trình các cấp xem xét phê duyệt và thực hiện dự án./.

Chu Thanh Hương (Cục BĐKH)

Các tin khác