Chủ trì Hội thảo có Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường và ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trong bài phát biểu khai mạc, ông Phạm Văn Tấn nhấn mạnh việc thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu với trọng tâm là thực hiện các Đóng góp do Quốc gia quyết định (NDC) về thích ứng, giảm nhẹ, tài chính, chuyển giao công nghệ và xây dựng năng lực phù hợp với hoàn cảnh của quốc gia. Việc thực hiện các hành động về biến đổi khí hậu như cam kết trong NDC là mới đối với nhiều nước, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển và đòi hỏi những nỗ lực của tất cả các bên. Các bài học từ một quốc gia có thể rất hữu ích đối với các quốc gia khác, đây là một trong những lý do chính để thành lập Đối tác hợp tác NDCP. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham gia sự kiện khởi động của NDCP trong COP22 tại Marrakech, Ma rốc 2017. Sau COP22, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức gia nhập NDCP từ năm 2017. Hiện nay, 81 quốc gia, 15 tổ chức quốc tế là thành viên của NDCP. Phạm vi của Đối tác NDCP ngoài việc chia sẻ kiến thức còn nhằm nhanh chóng thực hiện Thỏa thuận Paris ở các nước thông qua việc cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật, đảm bảo sự phối hợp hài hòa trong thực hiện NDC của Chính phủ với nguồn lực của các đối tác phát triển. Với sự hỗ trợ của Đối tác NDCP, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo khởi động để xây dựng Khung phối hợp thực hiện NDC của Việt Nam.
Từ năm 2017, Đơn vị Hỗ trợ Đối tác NDCP và một số thành viên của NDCP tại Việt Nam là UNDP, GIZ và WB đã giúp Việt Nam phát triển phiên bản Khung phối hợp thực hiện NDC của Việt Nam đầu tiên. Trong thời gian tới, cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, các Đối tác phát triển, các Tổ chức phi Chính phủ và các cơ quan liên quan khác để tiếp tục xây dựng hoàn thiện Khung từ nay cho đến giai đoạn 2020-2022 dựa trên các kế hoạch hiện hành và tập trung vào các hoạt động ưu tiên của Chính phủ để đạt được các cam kết NDC trong Thỏa thuận Paris. Khung phối hợp thực hiện NDC của Việt Nam dự kiến sẽ được cập nhật 6 tháng 1 lần để đảm bảo tính thời sự, đưa ra bức tranh toàn cảnh nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, các Đối tác phát triển và tất cả các bên trong thực hiện NDC.
Toàn cảnh Hội thảo
Khung phối hợp thực hiện NDC của Việt Nam sẽ là công cụ hữu ích giúp điều phối giữa các tổ chức trong nước và quốc tế thông qua việc cung cấp bức tranh tổng thể các nhu cầu của quốc gia và nguồn lực của các đối tác trong nước và quốc tế, giúp sử dụng có hiệu quả và tăng cường phối hợp các nguồn lực để thực hiện NDC. Đây cũng là một công cụ để huy động nguồn lực thông qua mạng lưới toàn cầu cam kết hỗ trợ thực hiện NDC. Khung sẽ góp phần tăng cường tính minh bạch và theo dõi nhanh tiến độ thực hiện NDC.
Tại Hội thảo khởi động, các đại biểu đã trao đổi về phối hợp để tiếp tục xây dựng Khung phối hợp thực hiện NDC; các lĩnh vực hỗ trợ chính cần xây dựng dựa trên các kế hoạch hiện có của Chính phủ như Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris (PIPA), Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC), Kế hoạch Phát triển kinh tế xã hội 5 năm (SEDP); tự động hoá hệ thống để theo dõi và chia sẻ thông tin về NDC cho Việt Nam.
Đối tác Hợp tác NDCP sẽ tiếp tục hỗ trợ quá trình xây dựng Khung phối hợp thực hiện NDC của Việt Nam để Việt Nam có thể hoàn thành và chia sẻ với các nước, các đối tác NDCP trong dịp diễn ra COP24 tại Bonn, Cộng hòa Liên bang Đức tháng 10 năm 2018 tới đây.
Cục Biến đổi khí hậu
Một số hình ảnh tại Hội thảo
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
PGS. TS Phạm Thị Minh Thư, Chuyên gia - Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC)
Bà Anna Shreyoegg, Cố vấn trưởng dự án NAMA, GIZ Việt Nam
Đại biểu tham dự Hội thảo