Giới thiệu với Bộ trưởng, ông William Ehlers cho biết Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) được thành lập năm 1991 nhân sự kiện Hội nghị về Môi trường và Phát triển lần thứ nhất của Liên hợp quốc (Hội nghị thượng đỉnh trái đất) nhằm giải quyết các vấn đề môi trường nóng trên phạm vi toàn cầu. Với 183 quốc gia thành viên, GEF là tổ chức tài chính độc lập, cung cấp nguồn vốn công lớn nhất trên thế giới cho các dự án về môi trường. GEF hỗ trợ tài chính trong các lĩnh vực: đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, hóa chất và chất thải, các vùng nước quốc tế, suy thoái đất, quản lý rừng bền vững, các cách tiếp cận tổng hợp, các hoạt động hỗ trợ khác.
Từ khi thành lập, GEF đã viện trợ 14,5 tỉ đô la Mỹ và huy động thêm 75,4 tỉ đô la Mỹ cho gần 4.000 dự án về môi trường. Các đối tác tham gia thực hiện dự án của GEF cũng rất đa dạng và là các tổ chức có uy tín trên trường quốc tế như: Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)…
Trong hoạt động hỗ trợ của GEF tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối GEF của quốc gia. Kể từ khi hoạt động, GEF đã hỗ trợ Việt Nam để thực hiện 107 dự án về môi trường trong nhiều ngành, lĩnh vực và tại nhiều địa phương, đóng góp quan trọng và tích cực trong việc giải quyết các vấn đề môi trường ở Việt Nam nói riêng và giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu nói chung.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà rất hoan nghênh và trân trọng những đóng góp của GEF cho Việt Nam nói chung cũng như Bộ Tài nguyên và Môi trường nói riêng. Bộ trưởng bày tỏ cảm ơn Quỹ GEF đã giúp Việt Nam rất nhiều trong hỗ trợ, tư vấn kinh nghiệm và thu xếp nguồn vốn thực hiện các dự án liên quan bảo vệ môi trường và chống chọi với biến đổi khí hậu.
"Vấn đề môi trường hiện nay đang có tính chất toàn cầu và với Việt Nam là vấn đề quan trọng, bức thiết. Việt Nam đang theo đuổi mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo và trong mô hình này không có chuyện đánh đổi, hy sinh môi trường cho tăng trưởng kinh tế. Việt Nam đang là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu nên Việt Nam mong muốn Quỹ GEF tiếp tục giúp đỡ Việt Nam gắn kết chiến lược phát triển kinh tế-xã hội với chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Hiện nay, Đại Hội đồng GEF gồm đại diện của 183 quốc gia thành viên là cấp điều hành cao nhất của GEF. Đại Hội đồng họp 4 năm một lần để tổng kết và đánh giá các chính sách chung, các hoạt động và thành viên của GEF. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao cho phối hợp với GEF để tổ chức Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 vào tháng 6/2018 tại Đà Nẵng.
Toàn cảnh buổi tiếp
Ông William Ehlers cho biết, ông đã đi khảo sát thực tế tại thành phố Đà Nẵng và cho biết nơi đây hoàn toàn phù hợp để tổ chức sự kiện Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6. Ông William Ehlers mong muốn chương trình sẽ giúp Việt Nam giới thiệu được những nét văn hoá riêng của Việt Nam cũng như sự hội nhập của Việt Nam với thế giới, bên cạnh đó Ban tổ chức cũng giới thiệu được với cộng đồng quốc tế những tiêu chí về du lịch, môi trường xanh, phát triển bền vững mà Việt Nam đang là một trong những nước đi đầu.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hội nghị Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 có một ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Việt Nam. Bộ trưởng mong muốn phía GEF sẽ chia sẻ những ý tưởng, mục tiêu chung để cùng Việt Nam phối hợp tổ chức tốt nhất sự kiện này. Đặc biệt, trong lần hội nghị này giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và GEF sẽ tổ chức một sự kiện bên lề về Quản lý rác thải biển - đây là vấn đề hết sức cấp bách và được rất nhiều quốc gia quan tâm.
Đối với việc phối hợp tổ chức hội nghị Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6, Bộ trưởng cho rằng hai bền cần sớm đưa vào bản dự thảo chương trình và lịch trình chi tiết, cụ thể, cho từng sự kiện để các bên triển khai thực hiện. Trong mỗi chương trình hoạt động đều có bản ghi nhớ để ghi lại quá trình hoạt động thực hiện và đúc kết những kinh nghiệm.
Về phía Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập ban chỉ đạo để phân công chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cùng tham gia một cách hiệu quả nhất vì đây là một hội nghị quốc tế rất quan trọng mà trong đó Việt Nam là nước chủ nhà. Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng mong muốn phía GEF đưa ra các đầu mối thực hiện để cho Việt Nam và các quốc gia, các tổ chức quốc tế nắm bắt và cùng nhau phối hợp triển khai thực hiện.
Bộ trưởng đề nghị Ban Thư ký GEF tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị cho việc tổ chức Đại hội đồng GEF 6 để đảm bảo Hội nghị diễn ra thành công. Đề nghị Ban Thư ký GEF hỗ trợ Việt Nam trong việc tổ chức Đối thoại quốc gia để rà soát việc thực hiện các dự án do GEF tài trợ Việt Nam trong chu kỳ 6 và xây dựng các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam trong chu kỳ 7 của GEF.
Đề nghị GEF tiếp tục phân bổ nguồn tài chính cho Việt Nam trong chu kỳ 7 để thực hiện các dự án về môi trường cũng như hoàn thành nghĩa vụ của Việt Nam là thành viên của 05 công ước trong khuôn khổ hỗ trợ của GEF; đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, quản lý nguồn nước quốc tế, rác thải, hoá chất và thành phố bền vững.
Cũng nhân dịp hội nghị Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6, Bộ trưởng cũng hết sức vui mừng chào đón bà Naoko Ishii, Chủ tịch Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) sang thăm, làm việc tại Việt Nam.
* Cũng trong ngày 12/4, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng các lãnh đạo đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường có buổi làm việc với với đoàn chuyên gia của Nga về quản lý, xử lý ô nhiễm dioxin hiện nay ở Việt Nam.
Trao đổi với các chuyên gia Nga về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết hiện nay tồn lưu chất độc dioxin ở Việt Nam vẫn còn nhiều, Việt Nam cũng đã khoanh vùng, cách ly các khu vực ô nhiễm để kiểm soát ô nhiễm và xử lý. Hiện nay Việt Nam quan tâm tới những công nghệ xử lý tiên tiến, có tính thực tiễn nhất để hỗ trợ Việt Nam giải quyết những khó khăn đang gặp phải.
Với sự hỗ trợ của các chuyên gia Nga trong vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đề xuất lên Chính phủ Việt Nam xem xét và nếu triển khai thực hiện được Bộ trưởng tin rằng đây sẽ là một trong những nội dung quan trọng trong việc hợp tác, quan hệ giữa hai chính phủ Nga và Việt Nam trong thời gian tới.
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường giao cho Tổng cục Môi trường sẽ phối hợp cùng với các chuyên gia Nga sẽ đánh giá toàn diện thực trạng, công nghệ cũng như nhu cầu hiện tại của Việt Nam để hai bên cùng nhau phối hợp triển khai để cùng nhau có thể lựa chọn được công nghệ xử lý dioxin phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Khương Trung