Tin tức / Tin Dự án - Hợp tác quốc tế
Ngày Khí tượng Thế giới (23/3): Những người “trấn giữ” đỉnh trời Tây Bắc
Ngày đăng: 24/03/2017
Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi có dịp đến thăm Trạm Khí tượng Sơn La, trực thuộc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Bắc. Dù nằm ngay trung tâm TP. Sơn La, nhưng không gian nơi đây lại cách biệt hẳn với sự ồn ào, náo nhiệt của phố thị. Và những người cán bộ khí tượng thủy văn, ngày ngày, giờ giờ chỉ làm bạn với mây trời, với độ ẩm không khí, nhiệt độ, tốc độ gió… Nếu không có lòng nhiệt huyết, sự yêu nghề, say nghề, có lẽ khó ai có thể gắn bó với nghề đến thế!

 

Cán bộ Trạm Khí tượng Sơn La kiểm tra thông số nhật quang ký, đo thời gian nắng trong ngày 

*Đêm không dám ngủ…!

Cách khung giờ 1 giờ trưa khoảng 15 phút, từng tiếng chuông báo vang lên giòn giã phá tan sự yên ả của căn phòng làm việc tại Trạm Khí tượng Sơn La. Cười vui vẻ, Trạm trưởng Trạm Khí tượng Sơn La Trương Thị Phong giải thích: Chúng tôi cài chuông báo trước khoảng 15 phút với mỗi ca quan trắc để chuẩn bị công cụ, sổ sách và đảm bảo việc quan trắc đúng quy định về thời gian.

Trạm Khí tượng Sơn La được thành lập từ những năm 1960, hiện có 5 cán bộ, có tới 4 đồng chí nữ! Ngoài trừ Trạm trưởng Phong đã có 17 năm gắn bó với nghề, thì 3 cô gái còn lại đều có tuổi đời còn khá trẻ. Đến từ những miền quê khác nhau, nhưng vì cái duyên nghề nghiệp, lòng yêu nghề nên giờ đây, họ cùng gặp nhau tại nơi đây, phố núi Sơn La.

Tâm sự về nguyên do đến với nghề, chị Trương Thị Phong bộc bạch: Thật ra, cũng không có lý do gì đặc biệt. Trước đây, tôi chọn học ngành Khí tượng thủy văn vì thấy nó…hay! Năm 2003, sau khi tốt nghiệp, tôi lên đây công tác và làm việc tại đây từ đó đến bây giờ. Rồi cứ thế, càng ngày càng thấy yêu nghề, say nghề, và gắn bó với nghề, với Trạm Khí tượng Sơn La cho tới bây giờ. Thế mà đã 14 năm rồi.

“Trước đây, khu vực này vắng vẻ lắm, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, mọi công việc đều làm thủ công bằng tay hết. Mãi sau này, được đầu tư trang thiết bị tiên tiến và đổi mới hơn nên công việc ngày càng thuận tiện hơn. Hiện mảng môi trường và bức xạ tại Trạm chạy hoàn toàn tự động. Máy phục vụ khí tượng bề mặt, phương thức truyền tin cũng được hiện đại hóa hơn trước” – chị Phong chia sẻ.

Còn với cô gái trẻ Vũ Hồng Nhung, 26 tuổi, có 4 năm gắn bó với nghề, thì ấn tượng khó phai nhất là đêm đầu tiên được giao nhiệm vụ trực. Vừa hồi hộp, lo lắng và bất an nữa, cả đêm hôm ấy, Nhung cứ trằn trọc không dám ngủ vì chỉ sợ lỡ mà quên ca trực, nhất là thời điểm 4 giờ sáng. Rồi dần dần cũng quen.

“4 năm đã qua, tôi càng cảm thấy yêu nghề, vì có yêu nghề mới làm được nghề. Không chỉ thể, còn có cả cảm giác rất hạnh phúc, vì nhờ những thông số quan trắc được, góp phần vào các bản tin dự báo, cảnh báo để mọi người sẽ biết được thời tiết như thế nào, có thể tránh những thiệt hại do mưa, bão; hoặc có thể lên kế hoạch đi chơi, du lịch cho phù hợp” – Vũ Hồng Nhung chia sẻ. Công việc không có quá nhiều vất vả, nhưng cần nhất là sự tỷ mỉ, chính xác về thời gian, bởi thế, “ám ảnh” lớn nhất với những cán bộ khí tượng, nhất là những người phụ nữ là sức ép về thời gian. Những thời điểm như 13 giờ, 19 giờ, hay những ngày lễ, tết là thời gian được nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình, thì các chị vẫn đang cần mẫn, chăm chỉ, miệt mài với công việc “đếm gió, đo mưa” của mình.

Để có thể theo nghề, chúng tôi luôn phải nỗ lực cố gắng, cân bằng thời gian cho công việc và gia đình. Như thời điểm 4 giờ sáng, giờ mà đa phần ai cũng đang ngon giấc, các chị lại luôn canh cánh trong lòng công việc. “Để chuẩn bị cho việc thu thập dữ liệu lúc 4 giờ sáng, không chỉ báo thức từ điện thoại bàn, di động, máy tính bàn. Xung quanh lúc nào cũng trang bị đầy đồng hồ báo thức” – Câu chuyện tưởng chừng như vui vẻ ấy, lại cũng cho thấy sự vất vả, hy sinh thầm lặng của những người cán bộ khí tượng nơi đây.

Công việc của họ luôn lặng lẽ, âm thầm, bất kể mưa, nắng, hay mùa đông rét mướt, gió, bão, họ vẫn luôn chăm chỉ, tận tụy với nghề, để có thể có những thông số quan trắc chuẩn xác nhất, góp một phần công sức mang đến những bản tin dự báo, cảnh báo chính xác nhất cho người dân.

*Giữ mãi ngọn lửa nghề!

Hiện Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Tây Bắc có 21 trạm khí tượng bề mặt, 12 trạm thủy văn, 3 trạm môi trường, 47 trạm đo mưa tự động, 30 điểm đo mưa nhân dân, 4 trạm truyền dẫn số liệu thuộc hệ thống cảnh báo, dự báo lũ, lũ quét lưu vực Nậm La, Nậm Pàn…

Ông Vũ Thanh Long, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Bắc tâm sự: Khó khăn lớn nhất vẫn là thiếu hụt về con người, cơ sở vật chất. Nhiều trạm ở khu vực xa xôi, hẻo lánh như Trạm thủy văn Nậm Giàng, không có người dân ở nên không có cả đường điện, cuộc sống của cán bộ rất vất vả. Để truyền tải các thông số dữ liệu, cán bộ nơi đây phải dùng ắc quy bằng năng lượng mặt trời.

Nhưng dù có vất vả, gian nan đến đâu, những con người khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc vẫn luôn nuôi giữ cho mình tình yêu và ngọn lửa với nghề, để hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ được giao.

Những bản tin dự báo, cảnh báo những năm gần đây luôn được đánh giá cao, góp phần quan trọng trong việc hạn chế thiệt hại do mưa, lũ, bão gây ra trên địa bàn Tây Bắc, chính là những phần quà ý nghĩa nhất mà chúng tôi nhận được.

Đặc biệt, vừa qua, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã tổ chức Lễ khởi công Dự án trạm Ra đa thời tiết Pha Đin, huyện Tuần Giáo, Điện Biên. Sau khi hoàn thành và đưa vào hoạt động, chắc chắn rằng, chất lượng các bản tin dự báo, cảnh báo các hiện tượng cực đoan của thời tiết như: mưa, dông, sét… sẽ được nâng lên và phục vụ có hiệu quả hơn trong công tác phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra trên toàn khu vực Tây Bắc.

Bài và ảnh: Nguyễn Nga

Nguồn: Monre

Các tin khác