Cuộc họp Nhóm Công tác chuẩn bị ứng phó khẩn cấp thiên tai lần thứ 11
*Đổi mới ứng dụng khoa học-công nghệ
Được biết, sau Diễn đàn quan chức cấp cao về thiên tai trong khuôn khổ APEC 2015 tại Philippines, thuật ngữ “New Normal - Bình thường mới” đã được phổ biến và sử dụng để nhấn mạnh sự gia tăng về cường độ và tần suất xuất hiện của thiên tai tại Việt Nam nói riêng và cộng đồng các nền kinh tế APEC nói chung.
Nhìn lại những năm vừa qua, không chỉ Việt Nam mà các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đều phải đối mặt với các thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu, trong đó thiên tai là mối hiểm họa lớn bởi sự gia tăng về tần suất và cường độ, gây ra tổn thất ngày càng lớn về người và tài sản.
Theo thống kê trong vòng 10 năm (2005 - 2014), khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã xảy ra 1.625 thảm họa thiên nhiên (chiếm hơn 40% tổng số thảm họa trên toàn cầu). Gần 500 nghìn người đã thiệt mạng, 1,4 tỷ người bị ảnh hưởng bởi các thảm họa thiên nhiên (chiếm 80% những người bị ảnh hưởng trên toàn cầu). Thiệt hại về vật chất trong giai đoạn này lên đến 520 tỷ USD (tương đương 45% tổng thiệt hại kinh tế toàn cầu do thiên tai gây ra).
Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bình quân hàng năm có khoảng 750 người chết do thiên tai, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á và thứ 22 trên thế giới, thiệt hại về kinh tế khoảng gần 1% GDP/năm.
Trước tác động mạnh mẽ của thiên tai, biến đổi khí hậu, Nhóm công tác chuẩn bị ứng phó khẩn cấp thiên tai (EPWG) gồm thành phần là các chuyên gia cấp cao về ứng phó khẩn cấp thiên tai, thảm họa, đại diện cho 21 nền kinh tế APEC đã được lập ra. Tại cuộc họp Nhóm Công tác chuẩn bị ứng phó khẩn cấp thiên tai lần thứ 11 (EPWG) nằm trong khuôn khổ APEC 2017, ông Trần Quang Hoài - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, đại diện Việt Nam kiến nghị, Nhóm EPWG cần ưu tiên tăng cường thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ nhằm hỗ trợ hiệu quả cho công tác ứng phó khẩn cấp liên vùng đối với hiện tượng thiên tai "Bình thường mới - New Normal Natural Disaster" tại các nền kinh tế APEC.
Theo đó, Nhóm EPWG sẽ tập trung vào thúc đẩy đổi mới ứng dụng khoa học-công nghệ nhằm tăng cường khả năng chống chịu thiên tai cho các nền kinh tế APEC. Ngoài các nội dung chia sẻ thông tin về thiên tai trong khu vực, năm 2017, Nhóm dự kiến sẽ thảo luận để đóng góp các khuyến nghị vào Tuyên bố Cần Thơ về tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, dự kiến xây dựng sáng kiến chung về “Tăng cường khả năng chống chịu thiên tai “Bình thường mới” thông qua thúc đấy đổi mới khoa học-công nghệ trong phòng, chống thiên tai trình lãnh đạo các nền kinh tế năm 2017.
*Triển khai mạnh bảo hiểm thiên tai
Bên cạnh việc phát triển khoa học công nghệ để ứng phó với thiên tai, các thành viên của APEC còn hướng đến giải pháp về tài chính khi cho rằng, Sáng kiến Tài chính và Bảo hiểm rủi ro thiên tai là thực sự cần thiết và có ý nghĩa trong khuôn khổ APEC.
Vấn đề này đã được đưa ra bàn thảo tại Hội thảo “Chính sách tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai”, diễn ra ngày 21/2. Qua 16 tham luận từ đại diện các nền kinh tế thành viên APEC và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)..., các đại biểu đều thống nhất cho rằng: Trong số các giải pháp tài chính ứng phó với thiên tai, bảo hiểm là một công cụ, giải pháp hữu hiệu, không chỉ giảm nhẹ gánh nặng về ngân sách nhà nước, chuyển giao rủi ro ra thị trường quốc tế mà còn góp phần tăng cường nhận thức về rủi ro thiên tai, xây dựng kế hoạch và phòng, chống thiên tai.
Hội thảo “Chính sách tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai”
Để phát triển thị trường bảo hiểm rủi ro thiên tai, các nền kinh tế cần tăng cường cơ sở hạ tầng và giám sát thị trường bảo hiểm thông qua xây dựng một mô hình rủi ro thiên tai đánh giá được khả năng xảy ra và mức độ nghiêm trọng của tổn thất từ thiên tai, chuẩn hóa biểu mẫu cơ sở dữ liệu đơn bảo hiểm và tổn thất phát sinh. Để xây dựng và thực thi hiệu quả các chính sách tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai, cùng với việc hoàn thiện hệ thống thể chế cần phải có một hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ, toàn diện.
Triển khai Sáng kiến Tài chính và Bảo hiểm rủi ro thiên tai trong APEC năm 2017, các thành viên APEC sẽ tập trung vào các trọng tâm: Xây dựng chiến lược hoặc khung chính sách tài chính cho rủi ro thiên tai cấp quốc gia và cấp địa phương; Xây dựng chính sách quản lý rủi ro tài chính đối với tài sản công; Xây dựng chính sách phát triển thị trường bảo hiểm rủi ro thiên tai; Phát triển các công cụ phân tích phục vụ công tác hoạch định chính sách tài chính cho rủi ro thiên tai.
Với việc tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết các vấn đề thiên tai, BĐKH, các thành viên APEC đã cho thấy sự đồng lòng, quyết tâm khi cùng “vun đắp tương lai chung”, xây dựng cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng.
Thanh Bình