*Khó lường
Bước vào những ngày đầu năm 2017, Bình Thuận đã trải qua diến biến bất thường của thời tiết - mưa trái mùa. Dù đã bước vào mùa khô hanh 2016-2017 hơn 3 tháng, nhưng mới đây trên địa bàn vẫn xuất hiện những cơn mưa lớn bất thường.
Thời kỳ lẽ ra là đỉnh điểm của mùa khô (từ tháng 1- tháng 3 hàng năm), nhưng năm nay, trong tháng 1 và đầu tháng 2 trên địa bàn tỉnh Bình Phước đón nhận 7 cơn mưa. Đáng chú ý trong số đó, nhiều cơn mưa lưu lượng lên đến 57,5mm. Số liệu mưa đo được của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bình Phước, trận mưa ngày 2/1 tại Chơn Thành là 17,6mm; ngày 7/1 tại Đồng Xoài là 21mm; ngày 9/1 tại Bù Đăng là 57,5mm. Sang tháng 2, mưa vẫn diễn ra trên diện rộng, vào ngày 3-2 lượng mưa đo được tại thị xã Bình Long là 19mm.
Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Bình Phước Nguyễn Hải Sơn đánh giá, mặc dù lượng mưa trong tháng 1 và những ngày đầu tháng 2 không lớn bằng lượng mưa đo được trong các ngày mùa mưa nhưng các chuyên gia cho rằng đó là những trận mưa lớn. Bởi như thường lệ, trong mùa khô ít có mưa, nếu mưa thì lưu lượng không đáng kể. Đây là một hiện tượng bất thường trong năm nay.
Cũng nhờ những trận mưa trái mùa nên đã vào giữa mùa khô nhưng thống kê tại 45 hồ, đập chứa nước trên toàn tỉnh hiện vẫn ở mức nước cao, thậm chí có hồ nước vẫn chảy qua đập tràn. Trong khi, thông thường các năm trước, ở vào thời điểm này, mực nước tại các hồ hạ thấp ít nhất là 50%. Thậm chí có một số hồ đã xuống mực nước chết.
Dù có mưa trái mùa trong theo nhận định của cơ quan khí tượng, mùa khô năm nay đến muộn, sẽ kéo dài và diễn biến phức tạp. Do đó, các cấp các ngành và người dân trong tỉnh cần hết sức cảnh giác, chủ động ứng phó, nhất là trong sản xuất nông nghiệp.
*Nhiều phương án ứng phó
Nếu mùa khô kéo dài và khốc liệt hơn, đồng nghĩa với việc Bình Phước sẽ nguy cơ đối mặt với tình trạng thiếu nước. Theo đó, Bình Phước chỉ đạo các ban ngành, UBND các huyện tích cực triển khai thực hiện các giải pháp theo Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Bình Phước đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (tỉnh ban hành đầu năm 2016).
Theo đó, Bình Phước sẽ phát triển tài nguyên nước của tỉnh một cách hợp lý, ổn định và có tính bền vững cao nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho dân sinh và các ngành kinh tế; đồng thời, giúp cho việc phân bổ, chia sẻ tài nguyên nước hài hòa.
Mặt khác, tỉnh yêu cầu các địa phương, các chủ hồ chứa thực hiện các biện pháp tăng cường tích trữ nước trong các hồ chứa trên cơ sở theo dõi chặt chẽ diến biến khí tượng, thủy văn; tu bổ, nạo vét kênh mương; Kiểm tra, tổng hợp cụ thể nguồn nước trong các hồ chứa, căn cứ thông tin dự báo khí tượng thủy văn để xây dựng kế hoạch điều tiết, sử dụng nước, trong đó ưu tiên nước uống cho gia súc, tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Các ban ngành cugnx vận động toàn dân tăng cường các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm và áp dụng các biện pháp tưới nhỏ giọt, tiết kiệm nước cho cây trồng. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về tình hình khí tượng thủy văn, hạn hán, lịch xả các hồ chứa thủy điện; tổ chức các chuyên đề về hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm tiết kiệm nước, phòng chống hạn để nhân dân biết và chủ động phòng tránh, đồng thời có ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Để tận dụng nguồn nước cho sản xuất, tỉnh vận động nhân dân tham gia làm thủy lợi, nạo vét kênh mương, sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý, tận dụng tối đa nguồn nước hiện có. Đặc biệt, nghiêm cấm người dân không tự ý làm bờ cản trên kênh, tháo nước tràn lan gây thất thoát, thiếu nước đoạn cuối kênh.
Và để dự báo thời tiết chính xách hơn, UBND tỉnh Bình Phước đã phê duyệt Đề án giải quyết kinh phí lắp đặt bổ sung mạng lưới các trạm đo mưa phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí 462,9 triệu đồng. Hiện, Đài Khí tượng thủy văn đang khảo sát các điểm để đặt 12 trạm đo mưa tự động trên địa bàn 11 huyện, thị xã.
Bùi Thọ
Nguồn: Monre