Tin tức / Tin Dự án - Hợp tác quốc tế
Làm bạn với mây trời
Ngày đăng: 20/01/2017
Trạm khí tượng Mẫu Sơn nằm trên đỉnh núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn) ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Đây được coi là một trong những vùng đất có khí hậu khắc nghiệt nhất vùng núi phía Bắc, địa hình hiểm trở và nổi tiếng với cảnh quan băng tuyết kỳ thú. Chính những điều này càng tăng thêm khó khăn cho những người làm công tác quan trắc khí tượng nơi đây.

 Chúng tôi đến thăm Mẫu Sơn vào ngày cuối cùng của năm. Con đường độc đạo từ chân núi lên đến đỉnh chỉ 15 km nhưng liên tiếp cua lượn gấp khúc, nhiều khúc ngoặt quanh co. Đường nhỏ hai chiếc xe ngược chiều không qua được, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, thỉnh thoảng điểm qua một vạt rừng thông xanh rì. Leo được đến đỉnh núi, phóng tầm mắt có thể chiêm ngưỡng đoạn sông Kỳ Cùng uốn lượn chảy bên nước bạn Trung Quốc. Đó cũng là nơi đặt Trạm khí tượng Mẫu Sơn.

Đã chuẩn bị sang năm mới nhưng thời điểm này, thời tiết trên đỉnh Mẫu Sơn khá đẹp, ít mây mù và chưa xuất hiện băng tuyết. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn quan trắc của trạm, anh Dương Xuân Thái, nhân viên quan trắc cho biết: Mùa đông năm nay, nhiệt độ có phần cao hơn các năm trước. Thời điểm này năm ngoái, nhiệt độ xuống còn 2oC và sang tháng 1 là có tuyết rơi trắng đỉnh Mẫu Sơn, nhưng hiện mới ghi nhận nhiệt độ thấp nhất là 5oC.

Hiện, trạm có 3 người thay phiên nhau thực hiện các hoạt động quan trắc, tổng hợp số liệu và báo cáo kết quả về trung tâm, túc trực 24/24 giờ theo dõi các hiện tượng thời thời tiết, như mọi người vẫn nói vui với nhau là đo gió, đếm mây để “bắt bệnh trời”. Trạm khí tượng có nhiệm vụ đo các yếu tố như độ ẩm không khí, nhiệt độ, tốc độ gió... phục vụ công tác dự báo của tỉnh Lạng Sơn và Trung ương. Ngày nào cũng vậy, kể cả ngày lễ Tết, các anh có 4 “ốp” phải báo cáo số liệu  về trung tâm: 1 giờ đêm, 7 giờ sáng, 13 giờ và 19 giờ. Còn những hôm gặp thiên tai nguy hiểm, việc báo ốp liên tục 1 tiếng/lần. Công việc chỉ có vậy, buồn tẻ nhưng lại đòi hỏi độ chính xác cao tối đa, không thể lơ là bởi chỉ cần một sai lầm nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.

Tuổi đời các nhân viên trạm còn khá trẻ. Trưởng trạm Hoàng Quốc Huy là người lớn tuổi nhất sinh năm 1982. Thái ít tuổi nhất (sinh năm 1988) nhưng cũng đã có 6 năm theo nghề. Mới công tác tại Trạm Mẫu Sơn 2 năm, Thái tâm sự: Lúc mới lên cũng thấy buồn vì ở đây hiu quạnh xa trung tâm, cuộc sống có phần đơn điệu. Những năm gần đây, phát triển du lịch nên mới đông đúc hơn, có du khách lên chơi, có đồng bào Dao bán hàng, khách sạn hoạt động nhưng hầu như quanh năm vẫn vắng người, người dân cũng chỉ sống ở lưng chừng núi.

Ở trên này, khổ nhất vẫn là đường xá xa xôi cách trở. Mỗi lần đi chợ, phải mua thức ăn dự trữ cho cả tuần, nước dùng hàng ngày chủ yếu là nước mưa. Cả 3 anh em đều là người huyện Cao Lộc (Lạng Sơn), cách đỉnh Mẫu Sơn 30km nên thường chia nhau trực, hàng tháng vẫn được về nhà. Nhưng xui xẻo mà nhằm lúc trời mưa bão phải theo dõi sát sao thời tiết mà đường sá sạt lở có khi cả tuần, người ở dưới đành chịu không lên được, người ở trên phải căng sức làm việc với cường độ cao. Nhiều khi ốm đau cũng không ai biết.

Trên này cả năm, có tới 9 tháng là sương mù, chỉ 3 tháng là có ánh mặt trời. Độ ẩm nhiều lúc đạt 100% nên giặt quần áo không khô, mùa đông gần như phải sưởi 24/24 giờ, đồ dùng, nhà cửa dễ ẩm mốc, còn máy móc thiết bị điện tử rất nhanh han gỉ nên rất vất vả giữ gìn. Mùa đông ở Mẫu Sơn còn có thêm nỗi ám ảnh băng tuyết. Khách du lịch thích thú với khung cảnh đất trời trắng xóa như trời Âu, gió núi buốt lạnh chứ với các nhân viên quan trắc, cứ đúng 1 giờ đêm phải dò dẫm từng bước trên mặt băng làm nhiệm vụ chẳng khác nào cực hình.

Không khí Tết đến, Xuân về đã rộn ràng trên mọi nẻo đường quê, nhưng ở nơi quanh năm làm bạn với mây trời này, các nhân viên quan trắc lại tất bật làm việc để góp phần mang đến nhân dân cả nước những bản tin dự báo thời tiết chính xác cho những ngày Xuân…

Vy Huyền

Nguồn: Monre

 

Các tin khác