Tin tức / Tin Dự án - Hợp tác quốc tế
Năm mới đón trạm mới
Ngày đăng: 30/12/2016
Lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong các hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy vậy, việc thiếu các nguồn lực đầu tư và chưa có một hệ thống sở dữ liệu quốc gia trong lĩnh vực này đang là thách thức lớn đối với ngành. Trước yêu cầu phát triển mạng lưới quan trắc KTTV, Cục KTTV&BĐKH đã tiếp nhận và xem xét trình Bộ TN&MT ban hành quyết định đưa 4 trạm thủy văn mới thuộc Đài KTTV khu vực Việt Bắc vào hoạt động chính thức. Đồng thời, di chuyển 2 trạm khí tượng thuộc Đài KTTV khu vực Bắc Trung Bộ và 1 trạm thủy văn thuộc Đài KTTV khu vực Tây Nguyên.

 

Cần tăng mật độ và hiện đại hóa hệ mạng lưới trạm KTTV 

Tuy vậy, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, triển khai các giải pháp ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân lớn là do chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về KTTV và BĐKH, lại thiếu cơ chế chia sẻ, cung cấp thông tin KTTV liên ngành, Trung ương – địa phương nên gây vướng mắc cho công tác chỉ đạo điều hành, lập kế hoạch, dự toán và quản lý các hoạt động, đặc biệt là trước những tình huống thiên tai chưa từng xảy ra, có tính chất cực đoan lịch sử. Việc dự báo thủy văn còn hạn chế do thiếu số liệu quan trắc phần lưu vực các sông nằm ngoài lãnh thổ nước ta. Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin, số liệu điều tiết, vận hành các công trình hồ chứa cho các cơ quan dự báo KTTV tại hầu hết các địa phương chưa đầy đủ và kịp thời, gây nhiều khó khăn cho việc dự báo, cảnh báo lũ cho các vùng hạ lưu hồ chứa.

Ngoài ra, vấn đề nguồn lực và thiếu cán bộ chuyên môn cũng là lý do chủ yếu khiến công tác quản lý Nhà nước về KTTV chưa được chú trọng ở các địa phương. Tính đến nay, trên cả nước mới có 19 Sở TN&MT thành lập Phòng Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (6 tại miền Bắc, 6 tại miền Trung và 7 tại miền Nam). Ở cấp Trung ương, vấn đề phòng ngừa rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu đã được đưa vào Kế hoạch triển khai. Thỏa thuận Paris về khí hậu và thực hiện NDC tại Việt Nam, tuy vậy, nguồn lực của Chính phủ để thực hiện còn hạn chế. Ngay tại Cục, một số bộ phận hiện thiếu cán bộ làm việc như Ban điều phối Chương trình hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu (SP-RCC), Văn phòng Ủy ban quốc gia về BĐKH...

Năm 2016, khép lại nhưng hậu quả của thiên tai vẫn còn dai dẳng, nặng nề đeo bám người dân trên khắp các vùng miền của đất nước. Cả dải đất miền Trung tan hoang vì lũ. Nam Bộ, Tây Nguyên oằn mình chống chọi với xâm nhập mặn, nước biển dâng, thiếu hụt nguồn nước, các tỉnh miền núi phía Bắc cũng lo ngay ngáy những đợt rét đậm rét hại lịch sử hồi đầu năm liệu có tiếp diễn...

Nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống thiên tai, trong năm 2017, Cục KTTV&BĐKH với vai trò là cơ quan đầu ngành sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ, tham mưu kịp thời cho lãnh đạo Bộ TN&MT chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai cũng như quản lý hệ thống quan trắc KTTV và thực hiện lược phát triển ngành KTTV đến năm 2020 mà Chính phủ đã phê duyệt. Thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục xem xét đưa các trạm khí tượng, thủy văn mới vào hoạt động, di dời và nâng cấp nhiều trạm để nâng cao chất lượng quan trắc, đảm bảo xử lý thông tin nhanh nhạy, kịp thời, chính xác.

Đồng thời, tăng cường phối hợp với Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trong việc giải quyết các vấn đề về xây dựng, di chuyển, nâng cấp hay xử lý vi phạm hành lang an toàn kỹ thuật đối với các trạm KTTV... Tăng cường công tác quản lý nhà nước về KTTV trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là công tác dự báo, cảnh báo, ban hành bản tin và truyền, phát tin về thiên tai, đồng thời, kiểm tra việc triển khai thực hiện các văn bản pháp luật về cảnh báo, dự báo thiên tai, KTTV đối với các địa phương. 

Khánh Ly

Nguồn: Monre
Các tin khác