Tin tức / Tin Dự án - Hợp tác quốc tế
Ninh Thuận: Nhiệt độ có thể tăng thêm 3,5 độ C
Ngày đăng: 15/12/2016
Tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp với Viện Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu đã cập nhật lại kịch bản BĐKH làm cơ sở để rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển chuyên ngành và đề xuất các giải pháp ứng phó với BĐKH giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

 
Ảnh minh họa

Theo đó, tỉnh Ninh Thuận đã công bố 2 kịch bản về BĐKH và nước biển dâng RCP4.5 (kịch bản phát thải thấp) và RCP 8.5 (kịch bản phát thải cao).

Theo kịch bản RCP4.5, vào đầu thế kỷ 21 (2016 - 2035), nhiệt độ trung bình năm tỉnh Ninh Thuận tăng lên trên phạm vi toàn tỉnh 0,6 - 0,8oC so với thời kỳ 1986 – 2014, trong đó nhiệt độ ở khu vực ven biển tăng nhanh nhất, lượng mưa tăng từ 5 – 15%. Đến giữa thế kỷ 21 (2046 – 2065), nhiệt độ trung bình năm tăng từ 1,2 – 1,4oC và vùng ven biển tăng chậm hơn so với  trong đất liền, lượng mưa tăng 10 – 15%. Đến cuối thế kỷ 21 (2066 – 2099), khu vực phía Tây tỉnh Ninh Thuận (huyện Bắc Ái, Ninh Sơn) có mức tăng nhiệt độ 1,9 – 2oC, ở khu vực ven biển sẽ tăng chậm hơn từ 1,7 – 1,9oC.

Còn theo kịch bản RCP8.5, vào đầu thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm tại tỉnh Ninh Thuận tăng 0,7 – 0,9oC so với thời kỳ 1986 – 2005, khu vực ven biển tăng chậm hơn 0,6 – 0,7oC, lượng mưa tăng 15 – 20%. Đến giữa thế kỷ 21 nhiệt độ trung bình năm tăng từ  1,7 – 2oC, trong đó 2 huyện Ninh Sơn, Bắc Ái tăng nhanh nhất (1,9 – 2oC), huyện Thuận Nam tăng chậm nhất. Ở giai đoạn này, phân bố không gian và lượng mưa ở Ninh Thuận tương tự như giai đoạn đầu thế kỷ nhưng mức tăng chậm hơn, phổ biến 10 – 15%. Đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm tăng từ 3,2 – 3,5oC, khu vực các huyện vùng núi phía Tây tỉnh Ninh Thuận nhiệt độ tăng nhanh nhất và tăng chậm dần về phía biển, xu thế tăng lượng mưa năm vẫn xảy ra trên toàn tỉnh Ninh Thuận nhưng chỉ ở mức 1 – 10%, riêng phía nam huyện Thuận Nam có xu thế tăng nhanh hơn, xấp xỉ 13%. Đối với kịch bản nước biển dâng, trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 21, xu thế tăng của mực nước biển trên địa bàn tỉnh Ninh Thuân trong 2 kịch bản RCP4.5 và RCP8.5 không sai khác bao nhiêu. Từ năm 2040 trở đi mới có sự khác biệt đáng kể. Theo kịch bản RCP8.5, ước tính trung vị mực nước biển trung bình khu vực biển ven bờ Ninh Thuận là 74cm. Trong kịch bản RCP4.5, ước tính trung vị mực nước biển dâng tổng cộng là 54cm.

Với 2 kịch bản trên, BĐKH sẽ gây ra nhiều tổn thương xấu hơn nữa cho tỉnh Ninh Thuận trong thời gian tới. BĐKH tác động xấu đến chất lượng nguồn nước, làm suy giảm nguồn nước của các sông, gây xâm nhập mặn ở một số vùng cửa sông, ven biển, đồng thời mưa lớn kết hợp với nhiệt độ tăng cao làm tăng nguy cơ sạt lở đất và gây áp lực lớn lên các hồ chứa.

Yến Nhi

Nguồn: Monre
Các tin khác