Tại đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre đã thông tin với đoàn về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và hạn mặn diễn ra tại tỉnh và các giải pháp ứng phó. Theo báo cáo của tỉnh, Bến Tre là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn hán và xâm nhập mặn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, Việt Nam nói chung.
Cao điểm, đầu năm 2016 Bến Tre phải hứng chịu đợt hạn, mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử, gây thiệt hại gần 1.500 tỷ đồng và 1/3 dân số toàn tỉnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Chia sẻ với khó khăn và thiệt hại Bến Tre phải hứng chịu do thiên tai, lãnh sự các nước có chung nhận định, phương thức canh tác của người dân địa phương không còn phù hợp với điều kiện đất đai và nguồn nước, khí hậu...
“Đây chỉ là mới bắt đầu, sự việc tương tự trong thời gian tiếp theo hoàn toàn có thể diễn biến xấu hơn bởi sự ảnh hưởng khó lường từ hoạt động của con người phía thượng nguồn sông Mekong cũng như tác động của biến đổi khí hậu, trong khi điều đó vượt ngoài sự kiểm soát của Việt Nam. Nhưng nếu chúng ta hành động ngay bây giờ thì sẽ tránh được thảm họa” - Ngài Simon van der Burg nhấn mạnh.
Nhân dịp này, tỉnh Bến Tre kêu gọi Lãnh sự các nước vận động hỗ trợ cho công tác ứng phó biến đổi khí hậu của tỉnh trong giai đoạn tới.
Khánh An