Tin tức / Tin Dự án - Hợp tác quốc tế
“Đánh cược” với trời
Ngày đăng: 23/11/2016
Ít ai biết rằng, để có được bản tin dự báo thời tiết ngắn ngủi chừng ấy thôi, những quan trắc viên, dự báo viên Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ (đóng tại Đà Nẵng) đã miệt mài lao động ngày đêm, không quản mưa gió, bão bùng, nhiều khi phải đánh cược bằng cả tính mạng.

 
Những quan trắc viên, dự báo viên đang làm nhiệm vụ

Riêng một góc trời

Tháng 10 lũ về, miền Trung trắng xóa. Những chái nhà cắt nóc liêu xiêu theo dòng nước bạc, những tấm lưng trần ngư phủ phơi gió sương, bốn bề lồng lộng liêu trai. Xa khơi, phù sa đổ đầy theo dòng nước lũ. Thời tiết ở miền Trung bao giờ cũng khắc nghiệt hơn hai đầu đất nước, nhưng những người con của Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung Bộ vẫn miệt mài “đếm mưa, đo gió”. Một chiều chớm đông, những cơn gió lạnh đầu mùa vội vàng xào xạc lá, gặp tôi trong cơn “đại hồng thủy” đang hoành hành cả miền Trung, anh Đinh Phùng Bảo, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung Bộ mở đầu câu chuyện thật nhẹ nhàng: “Nghề dự báo thời tiết này vất vả, hiểm nguy lắm Nhà báo ơi. Nếu ai không có bản lĩnh, không thể bám trụ với nghề đâu”.

Công việc của những quan trắc viên, dự báo viên ở Đài hàng ngày là thu thập, khai thác số liệu, dự tính, dự báo diễn biến phức tạp của thời tiết, tổng hợp số liệu của 75 trạm tự động, khí tượng, thủy văn, đo mưa trên địa bàn 6 tỉnh (từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi), để kịp thời phát bản tin thời tiết. Họ phải thay phiên nhau trực, phân bố công việc một cách khoa học, hợp lý để vừa đảm bảo công việc, vừa đảm bảo sức khỏe. Nghe thì đơn giản vậy thôi nhưng vô cùng gian nan.

Với yêu cầu nhiệm vụ đặc thù, gần như tất cả các trạm thủy văn, khí tượng đều được đặt tại những nơi có thời tiết khắc nghiệt và nhiều biến động nhất như: Trạm Khí tượng Lý Sơn đặt trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi); Trạm Khí tượng Cồn Cỏ đặt trên đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị)… Dù vậy, những người làm công tác đo thời tiết của Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung Bộ vẫn thường xuyên bám trụ, cập nhật kịp thời các thông số đo mưa, đo gió vào các múi giờ quy định.

Do tính chất công việc cần sự chính xác cao, nên dù thời tiết có khắc nghiệt, những cán bộ khí tượng của Đài vẫn có mặt tại bình độ đo để tác nghiệp, ghi lại đầy đủ dữ liệu độ ẩm, mưa, gió, nhiệt độ và bơm thả bóng dạng khinh khí cầu để đo sức gió một cách chính xác. Việc dự báo càng khó khăn hơn, khi vào mùa mưa, con số phải cập nhật liên tục, cứ 30 phút một lần. Nếu để xảy ra một sơ suất dù là rất nhỏ trong dự báo, không chỉ có hậu quả nghiêm trọng về mặt kinh tế mà nó còn gây thiệt hại đến tính mạng con người.

“Với khối lượng công việc khổng lồ, hàng ngày phải đo độ gió, độ ẩm không khí, lượng bốc hơi, số giờ nắng, cập nhật thường xuyên về tổng đài. Những khi thời tiết diễn biến phức tạp, tôi không sao chợp mắt được trong nhiều ngày dài. Còn nhớ hồi giữa tháng 9/2009 ở Đà Nẵng, đêm đó bão lớn, mặc cho sấm sét gào thét trên đầu, tôi và một đồng nghiệp đội mưa, ra bình đo ghi chép lại cẩn thận số liệu để kịp thời chuyển về tổng đài” - anh Bảo tâm sự.

Những nhọc nhằn trong cuộc đời làm khí tượng thủy văn vẫn chưa hết: “Những chuyến công tác dài ngày ngoài đảo xa, nhiều khi nhớ nhà quá không ngủ được, chỉ còn biết trút tất cả vào trang thư. Mỗi lần về là mỗi lần đấu tranh tư tưởng ghê lắm, không về thì nhớ nhà mà về thì tốn kém, chỉ tính riêng tiền đi lại thôi đã mất đứt cả tháng lương rồi. Có lần lũ miền Trung lên nhanh, đi làm ốp lại chỉ mang đèn dầu không chừng mực nước nên tôi đã trượt ngã xuống dòng nước lũ cuồn cuộn, may mà bám được vào cành cây ven sông, nếu không đã mất mạng” - anh Bảo kể. Gian nan là thế, nguy hiểm là thế nhưng chưa khi nào những người con của Đài muốn bỏ nghề, dù chỉ là trong suy nghĩ.

Khát vọng làm chủ

Nghề dự báo thời tiết đã gian nan rồi, dự báo ở vùng đầu nguồn lũ còn nhọc nhằn gấp bội. Tại những vùng đầu nguồn lũ các tỉnh Quảng Bình và Quảng Nam, lũ đầu mùa nước thường lên nhanh và chảy xiết. Các dòng sông khi lũ về hung dữ lắm, nước lênh lang có thể nuốt chửng mọi ngôi làng, nhấn chìm hàng nghìn héc ta hoa màu. Chính vì vậy, nơi đây là nỗi khiếp đảm với bao người nhưng với các anh, các chị ở Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ vẫn vững vàng làm chủ khát vọng của mình.

Đối với phụ nữ, nghề dự báo thời tiết càng gian nan, nguy hiểm hơn. Có những chị phải đánh đổi hạnh phúc riêng của mình bởi đặc thù công việc thường xuyên phải trực đêm. Chị Nguyễn Thị Chung là nhân viên khí tượng ở Trạm khí tượng A Lưới (Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung Bộ). Ngay từ nhỏ chị đã có sở thích được đi đến những vùng thời tiết khắc nghiệt để đo đạc, nghiên cứu những biến đổi không ngừng của thời tiết. Nhưng khi bước vào nghề, chị Chung mới thấy những khó khăn, gian khó của nghề đeo bám theo cuộc đời. Công việc dự báo thời tiết nặng nhọc lại đòi hỏi chất lượng, hiệu quả cao. Ngày này qua ngày khác, các chị chỉ đối diện với con nước, dòng sông và những con số vô cảm; thu nhập thấp nên dễ buồn chán, nản lòng.

Ngày thường đã vậy, khi trời mưa bão là lúc những người làm nghề dự báo thời tiết còn gian nan gấp bội. Trong khi mọi người đang yên giấc, những người quan trắc khí tượng như chị Chung phải thức trắng đêm để làm nhiệm vụ “canh” mưa bão. Với chị Chung, có lẽ trong đời vẫn không sao quên được cơn bão Xangsane năm 2006. Khi sức gió giật trên cấp 13, 14, nhà cửa bị tốc mái, mọi người tìm nơi tránh trú an toàn, nhưng cứ 30 phút, chị vẫn phải đi thu thập số liệu quan trắc một lần để phục vụ công tác báo bão. Đường từ trạm đến điểm quan trắc phải bò lom khom để không bị gió xô ngã.

Miền Trung - mảnh đất khắc nghiệt với những người “gác đền thời tiết” ở Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, nhưng những cán bộ, nhân viên luôn lấy tình yêu nghề, sự tận tâm với công việc làm lẽ sống. Khó có thể nói hết những khó khăn, vất vả mà những quan trắc viên, dự báo viên của Đài đã trải qua. Có lẽ, họ đã tự rèn luyện cho mình một bản lĩnh vững vàng để bám trụ được với nghề.

Xuân Lam

Nguồn: Monre

Các tin khác