Tin tức / Tin Dự án - Hợp tác quốc tế
Khu vực Nam Trung Bộ: Mưa lũ xuất hiện tần suất cao
Ngày đăng: 17/11/2016
Đầu tháng 11, mưa lớn xảy ra liên tiếp ở các tỉnh Nam Trung Bộ đã khiến lũ trên các sông dâng cao, nhiều khu vực bị chia cắt. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, bão và áp thấp nhiệt đới sẽ còn ảnh hưởng kéo dài sang đầu năm 2017.

Nam Trung Bộ, Tây Nguyên thiệt hại nặng nề

Những ngày vừa qua, mưa lớn liên tiếp và kéo dài ở các tỉnh Nam Trung Bộ đã gây thiệt hại lớn về người và của cho bà con nơi đây.

Đến nay, tỉnh Phú Yên lượng mưa đã giảm, mực nước trên các sông đang xuống. Tỉnh đang tập trung lực lượng khắc phục hậu quả và cứu trợ những vùng đang bị cô lập. Ngoài việc các tuyến đường giao thông bị sạt lở, điện lưới, nước sinh hoạt không có, hậu quả do mưa lũ để lại còn là hàng trăm lồng tôm hùm của bà con bị chết hàng loạt, mỗi lồng tôm trị giá cả chục triệu đồng. Người dân cho biết, bà con cập nhật thông tin về thời tiết hàng ngày nên đã lường trước hậu quả nước lũ tràn về nhưng lại không có nơi nào để di chuyển tôm đi.

Trước tình hình ảnh hưởng của mưa lũ và áp thấp nhiệt đới, tại Bình Thuận, việc đảm bảo an toàn hồ đập và xả lũ cũng được đặc biệt quan tâm. Vừa đảm bảo xả lũ vừa đảm bảo tích trữ nước thủy lợi đủ sử dụng cho thời gian tới là giải pháp đang được tính toán.

Hồ thủy lợi Sông Quao nằm trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận vào thời điểm này đã chứa 73 triệu khối, đạt 100% dung tích thiết kế. Nước đã đầy, do vậy để tránh nguy cơ lũ đầu nguồn đổ về gây vỡ hồ, công tác điều tiết nước đang được tích cực tiến hành.

Tỉnh Bình Thuận có 16 hồ chứa thủy lợi và 2 hồ thủy điện. Nguồn nước tích vào các hồ chứa hiện rất lớn. Hiện, tổng lượng nước tích trữ trong hệ thống thủy lợi trên toàn tỉnh đã hơn 215 triệu m3, đạt hơn 99,4%. Một số hồ chứa tích nước xấp xỉ đạt mực nước dâng. Riêng hồ thủy điện Đại Ninh đã chứa gần 92,9% và hồ thủy điện Hàm Thuận chứa hơn 93,3% dung tích.

Mưa lớn kéo dài trong mấy ngày qua cũng gây thiệt hại lớn ở tỉnh Đắk Lắk. Hiện đã có 1 người chết và hàng nghìn người phải di dời. Theo báo cáo của Văn phòng UBND huyện Ea Kar, nước lũ đã gây ảnh hưởng đến hầu hết các xã trong huyện, nhiều tuyến đường liên xã bị ngập sâu, hàng nghìn người dân phải di dời đến trường học và trụ sở UBND xã. Theo thống kê, huyện Ea Kar có 500 căn nhà bị ngập, khoảng 200 ha ngô chuẩn bị thu hoạch và 50 ha lúa đã mất trắng, nhiều gia súc, gia cầm bị cuốn trôi.

Áp thấp nhiệt đới vừa qua cũng đã gây gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 8 trên vùng biển Ninh Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhưng nguy hiểm hơn là sau đó, do hoàn lưu vùng áp thấp, ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, Lâm Đồng và khu vực Nam Bộ liên tiếp có mưa vừa, mưa to (lượng mưa phổ biến khoảng 20 - 50mm, có nơi trên 70mm).

 

Đến cuối năm còn khoảng 4 cơn bão

Theo bản cập nhật dự báo tình hình thời tiết cả nước trong tháng 11/2016 và các tháng đầu mùa đông năm 2016 - 2017 của Trung tâm Dự báo KTTV TƯ, trong tháng 11, hình thế thời tiết ảnh hưởng đến nước ta chủ yếu là hoạt động của không khí lạnh tăng cường xuống phía Nam, với khoảng 4 - 6 đợt không khí lạnh gây ảnh hưởng tới thời tiết tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (trong đó có 2 - 3 đợt từ trung bình đến mạnh).

Do không khí lạnh nén từ trung tâm lục địa châu Á tràn xuống nên sẽ đẩy rãnh thấp có trục ở khoảng 6 - 9 độ vĩ Bắc về phía Nam. Các rãnh thấp là điều kiện để hình thành áp thấp nhiệt đới hoặc phát triển lên thành bão. Dự báo trong tháng 11 có khoảng 1 - 2 cơn bão hoặc ATNĐ trên biển Đông, vị trí hoạt động nghiêng về khu vực phía Nam. Hiện, Nam Bộ đã bắt đầu chịu ảnh hưởng của trường gió Đông Bắc có cường độ trung bình đến mạnh do chịu tác động gián tiếp của lưỡi áp cao lạnh (không khí lạnh) tăng cường.

Về lượng mưa, từ tháng 12/2016 tới tháng 2/2017, mưa giảm do bắt đầu vào mùa khô. Riêng tháng 1, tháng 2 có thể xuất hiện những đợt mưa rào trái mùa nên lượng mưa trong tháng có khả năng cao hơn từ 15 - 30% so với TBNN cùng thời kỳ. Từ tháng 3 tới tháng 6 lượng mưa đều có xu hướng giảm so với TBNN cùng kỳ tại tất cả các tỉnh khu vực Nam Bộ. Mức giảm thấp nhất ở khu vực Bình Phước, Tây Ninh (khoảng 3%). Mức giảm cao nhất ở khu vực Cần Thơ, Sóc Trăng (khoảng 15%). Ngoại trừ tháng 1, tháng 2 là tháng được nhận định là có lượng mưa cao hơn TBNN, các tháng còn lại đều ở mức xấp xỉ đến  thấp hơn TBNN.       

Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm KTTV Quốc gia cho biết, hiện tại, thời tiết cả nước đã bắt đầu bước vào chu kỳ ENSO (chuyển tiếp giữa El Nino và La Nina). Tổng hợp các mô hình dự báo mới nhất cho thấy, La Nina xuất hiện từ tháng 11/2016, nhưng cường độ yếu và không kéo dài. Hệ quả của quá trình chuyển pha ENSO đối với chế độ thời tiết, khí hậu nước ta trong những tháng cuối năm 2016, đầu năm 2017 là khả năng mùa bão sẽ kết thúc muộn, gió mùa Đông Bắc hoạt động sớm, mưa lũ tiếp tục xuất hiện với tần suất cao hơn năm 2015 trên khu vực miền Trung và Nam Bộ trong những tháng cuối năm 2016.

 “Trong 2 tháng 11 và 12/2016, bão và ATNĐ vẫn có khả năng xuất hiện trên biển Đông, tổng khoảng 4 cơn bão và có 2 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Ngoài ra, bão và ATNĐ nhiều khả năng còn hoạt động trên khu vực phía Nam biển Đông trong tháng 1 và tháng 2/2017” - Ông Hải cho biết thêm.

Phạm Thu Hà

Nguồn: Monre

Các tin khác