Ảnh minh họa
Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ tại vùng trũng, thấp các tỉnh trên, đặc biệt tại một số huyện: Hương Khê, Đức Thọ (Hà Tĩnh); Minh Hóa, Tuyên Hóa (Quảng Bình); Hướng Hóa, Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh (Quảng Trị); Tây Trà, Sơn Hà, Sơn Tây (Quảng Ngãi). Ngay từ chiều ngày 31/10, nước dâng cao đã gây ngập hàng trăm nhà dân ở tỉnh Quảng Bình, cô lập 3 xã (Phương Mỹ, Phương Điền, Phương Khê) ở Hà Tĩnh.
Trước thông tin thiên tai, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT&TKCN đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ để thông tin kịp thời đến người dân, có phương án phòng tránh. Đối với các khu vực bị ảnh hưởng trong đợt mưa lũ giữa tháng 10 vừa qua, cần đẩy nhanh công tác khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất, phòng ngừa dịch bệnh và ổn định đời sống nhân dân.
Tổ chức rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn. Bố trí lực lượng kiểm soát an toàn cho người và phương tiện qua các ngầm, tràn, đường ngập nước, đò ngang, đò dọc khi có lũ. Kiểm tra các hồ chứa, chủ động việc xả lũ đảm bảo an toàn hồ đập và vùng hạ du, nhất là đối với các hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý. Tổ chức kiểm tra đảm bảo an toàn các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình trên sông suối. Bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn tại các vị trí xung yếu.
K. Ly