Tin tức / Tin Dự án - Hợp tác quốc tế
TP.HCM: Chung lưng đấu cật để chống ngập
Ngày đăng: 11/10/2016
Theo giới chuyên gia, khi mưa với cường độ khoảng trên 40 mm, thời gian ngắn thường sinh ra ngập úng ở TP.HCM. Giải quyết bài toán nan giải này, chính quyền thành phố và người dân phải đồng sức, đồng lòng, quyết tâm chống ngập.

 

 
TP.HCM ngập nặng sau cơn mưa lớn chiều 26/9.

*Nỗ lực từ chính quyền

Chống ngập là một trong những nhiệm vụ mũi nhọn mà TP tập trung giải quyết trong suốt những năm vừa qua. Từ năm 2008, TP.HCM bắt đầu chương trình chống ngập với tổng kinh phí khoảng 29.000 tỷ đồng. Qua 8 năm chống úng, ngập, tình hình dù đã cải thiện nhưng đây vẫn là nỗi quan ngại lớn của người dân TP.

Tiếp tục hành trình chống ngập, trong giai đoddon 2016 – 2020, dự kiến nhu cầu vốn chống ngập của thành phố lên đến gần 97.300 tỷ đồng, phân theo hai giai đoạn.

Trong hai năm đầu sẽ tập trung vào cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước để xóa ngập do mưa tại 8/17 tuyến đường, nâng cấp hệ thống thoát nước để xóa ngập cho 60/179 tuyến hẻm. Trong các năm cuối của giai đoạn này, TP.HCM cũng sẽ quyết liệt xiết chặt các dự án san lấp, xây dựng công trình lấn chiếm sông, kênh rạch, hồ chứa nước công cộng, cùng với việc xây dựng thêm các hồ điều tiết như quy hoạch đã đề ra.

Cùng với các giải pháp dài hạn, trong năm nay, TP HCM đã cho khởi công siêu dự án giải quyết ngập do triều cường có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1, với tổng kinh phí gần 10.000 tỷ đồng, kỳ vọng công trình có thể giải quyết ngập cho 6,5 triệu dân sống dọc các tuyến đường ngập nặng mỗi khi triều cường và mưa lớn hiện nay.

Theo Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP, với nhu cầu vốn rất lớn nêu trên, trong đó mới chỉ có khoảng 23.000 tỷ đồng cho một số dự án đang được triển khai. Như vậy, phần vốn còn lại mà TP HCM cần huy động cho giai đoạn 2016 – 2020 còn khoảng 74.350 tỉ đồng.

Tuy nhiên, UBND TP khi tính toán lại các nguồn vốn huy động từ ngân sách thành phố, ngân sách trung ương, ODA và các nguồn xã hội hóa thì vẫn còn thiếu nguồn vốn khoảng gần 36.000 tỉ đồng. Để huy động được nguồn thiếu hụt này, UBND TP dự kiến sẽ ban hành các chính sách huy động các nguồn vốn từ xã hội, tổ chức tài chính, nhà đầu tư trong và cả ngoài nước, đi kèm với việc tạo quỹ đất để thu hút nhà đầu tư, thu hồi và bán đấu giá các mặt bằng, nhà xưởng.

*Người dân chung tay

Tuy nhiên, các nỗ lực của chính quyền là chưa đủ. Ông Nguyễn Ngọc Công - Giám đốc Trung tâm Ðiều hành chương trình chống ngập nước TP cho rằng, cùng với nỗ lực chung của thành phố thì người dân thông qua việc nâng cao ý thức bào vệ môi trường, tuân thủ pháp luật về nhà ở, cũng sẽ giúp cho thành phố đông dân nhất nước tránh được nguy cơ “thất thủ” trước mưa lớn như thời gian qua.

Bởi, theo chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Văn Khoa, nguyên nhân gây ngập thì nhiều nhưng qua đi thị sát thực tế, tôi thấy có hiện tượng người dân TP chiếm dụng xây cả nhà lên trên. Quận huyện quản lý lỏng lẻo khiến thành phố đang phải đương đầu với hậu quả.

Cũng theo ông Khoa thì ngoài vấn đề chiếm dụng kênh rạch thì xả rác xuống cống, xuống kênh cũng đang là nguyên nhân gây tắc dòng chảy, nước không thoát được dẫn đến ngập.

Chung tay cùng TP giải quyết vấn nạn này, mới đây, tại quận Thủ Đức (TP.HCM), nhiều hộ dân ở các khu phố đã tập trung lại, định kỳ vệ sinh khơi thông, cùng nhau bảo vệ hệ thống kênh rạch chống ngập trên địa bàn.

Những phong trào khơi thông, nạo vét kênh mương như ở quận Thủ Đức không chỉ giải quyết tình trạng ập úng mà còn hạn chế được việc xả rác bừa bãi, bảo vệ môi trường sống cho chính người dân.

T.M

Nguồn: Monre
Các tin khác